Thổ Nhĩ Kỳ: Mua tên lửa Patriot không ảnh hưởng tới thương vụ S-400 với Nga

GD&TĐ - Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là Ibrahim Kalin cho biết khả năng nước ông mua tên lửa Patriot từ Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới việc mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.  

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga

“Chúng tôi không đóng cửa đối với Patriot, tất cả đều phụ thuộc vào giá cả, khả năng chuyển giao công nghệ, việc hợp tác sản xuất và 4-5 điểm quan trọng khác… Chúng tôi đã nhận được những đề nghị tốt nhất từ Nga. Nếu Mỹ cung cấp cho chúng tôi những điều kiện tốt, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc” – ông Kalin nói tại một cuộc họp báo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (24/12).

Phát ngôn viên trên cũng nhấn mạnh rằng việc mua tên lửa Mỹ trị giá 3,5 tỉ USD không phải là một lựa chọn thay thế cho hệ thống S-400 của Nga.

“Các hệ thống S-400 do Nga sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng và việc này sẽ bắt đầu vào năm 2019. Đây không phải là một lựa chọn mà là một quá trình song song đối với việc mua các hệ thống S-400 của Nga” – Phát ngôn viên trên nói.

Tuần trước, điện Kremlin tuyên bố rằng không có mối liên hệ nào giữa khả năng mua tên lửa đất đối không Patriot (SAM) của Mỹ và hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất, đồng thời cho biết Moscow đang trong quá trình thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận với Ankara.

Moscow và Ankara đã chốt một hợp đồng về việc chuyển hệ thống S-400 vào năm 12/2017. Thỏa thuận này đã khiến một số đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại vì cho rằng hệ thống này không tương thích với những hệ thống của đồng minh quân sự và rằng việc mua này sẽ gây nguy hiểm cho việc mua máy bay chiến đấu F-35 của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tăng cường hệ thống phòng vệ, đặc biệt là sau khi Washington quyết định rút hệ thống phòng thủ đất đối không Patriot khỏi biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria – một động thái làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi hướng về Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã rút khỏi hợp đồng 3,4 tỉ USD với một hệ thống tương tự của Trung Quốc. Việc rút khỏi này được cho là do áp lực từ Washington.

Theo Press TV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ