Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 lần thứ 2 và bản chất đòn trừng phạt của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo ông Yury Pilipson, việc Mỹ trừng phạt Nga, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng chỉ nhằm mục đích loại bỏ đổi thủ trên thị trường quốc tế.

Hệ thống phòng thủ S-400.
Hệ thống phòng thủ S-400.

Nhận định trên được ông Yury Pilipson, Vụ trưởng Vụ Châu Âu thứ 4 thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn RIA Novosti khi nói về thương vụ S-400 thứ 2 của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Việc Nga thực hiện thương vụ S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn nhưng không có vấn đề gì là không thể giải quyết được.

Như bạn đã biết, Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã áp dụng trừng phạt nhằm vào Nga và bất kỳ khách hàng nào mua vũ khí Nga thông qua Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), nhưng đó không phải để bảo vệ đồng minh như Mỹ nói mà loại bỏ đối thủ trên thị trường vũ khí", ông Pilipson nói.

Năm 2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng cung cấp bộ trung đoàn S-400 trị giá 2,5 tỷ USD.

Nga đã chuyển giao các tổ hợp này vào mùa hè và mùa thu năm 2019.

Đến năm 2022, các bên đã ký thỏa thuận cung cấp trung đoàn thứ hai. "Hiện hợp đồng S-400 thứ 2 với Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu được thực hiện", Vụ trưởng Yury Pilipson cho biết thêm.

Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thương vụ S-400 đầu tiên, Mỹ đã áp các biện pháp hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 12/2020, Mỹ loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35, với lý do S-400 có thể đe dọa hệ thống phòng không tích hợp của NATO.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ và đồng minh NATO, hồi tháng 1/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố, những tổ hợp S-400 nước này tiếp nhận từ Nga đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

"Nếu bất cứ mối đe dọa nào xuất hiện, chúng tôi sẽ quyết định địa điểm và phương thức sử dụng hệ thống S-400. Hiện lực lượng phòng thủ Thổ Nhĩ Kỳ không gặp vấn đề nào trong quá trình vận hành hệ thống S-400", ông Hulusi Akar nói.

Ông Akar còn khẳng định, việc nước này mua các tổ hợp vũ khí phòng thủ từ Nga chỉ được thực hiện sau khi Mỹ không đáp ứng đề xuất bán các hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ được xem là đồng minh khiến Mỹ và NATO đau đầu, khi luôn có những động thái đi ngược mục tiêu chung của khối quân sự này.

Bị Mỹ trừng phạt vì mua S-400, Ankara tuyên bố mua thêm S-400. Mỹ kêu gọi trừng phạt Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, Thổ không những không trừng phạt Nga mà còn tích cực đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Kiev và Moskva nhằm chấm dứt cuộc xung đột.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần khẳng định rằng việc rạn nứt trong quan hệ với Mỹ vì thương vụ S-400 là "đáng giá".

Giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố của ông Erdogan không có gì khó hiểu bởi S-400 lâu nay được đánh giá là có thể làm thay đổi cuộc chơi với sự vượt trội hơn hẳn về nhiều tham số so với các hệ thống tương tự của phương Tây.

Tạp chí National Interest của Mỹ cho biết, S-400 có thể phóng các loại tên lửa đánh chặn khác nhau, gồm tên lửa có tầm bắn rất xa 40N6E (400km), tầm xa 48N6 (250km) và 9M96E2 (120km), tầm ngắn 9M96E (40km).

Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ chỉ trang bị duy nhất một loại tên lửa đánh chặn có tầm bắn 96km.

Ngoài khả năng có thể đối phó với các máy bay tàng hình, S-400 còn đe dọa những mục tiêu như máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry, vốn thường hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ