Thổ cẩm mang thiên nhiên tươi đẹp vào cuộc đời

GD&TĐ - Trang phục truyền thống rực rỡ màu sắc và hoa văn của đồng bào không chỉ phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên mỗi vùng, miền mà còn biểu đạt ý niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng tâm linh và lịch sử, văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc anh em. Coi trọng sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên và có sự đầu tư đúng cách là cách hữu hiệu bảo tồn và phát huy vẻ đẹp văn hóa của thổ cẩm trong nhiều lĩnh vực đời sống.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng một số người mẫu trình diễn trang phục thổ cẩm
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng một số người mẫu trình diễn trang phục thổ cẩm

Tôn vinh đa sắc thổ cẩm

Nhằm góp phần quảng bá, nâng cao giá trị thổ cẩm, ngày 5 - 7/1/2019, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất. Ngoài việc tái hiện lại lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với không gian văn hóa thổ cẩm, không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm, hội thảo văn hóa thổ cẩm Việt Nam, trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng… bên lề chương trình còn có nhiều hoạt động thiết thực khác để thu hút, ký kết các dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Đắk Nông cho biết: Trên địa bàn hiện có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trang phục truyền thống của đồng bào đa dạng về kiểu dáng, hoa văn và màu sắc đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía Nam Tây Nguyên. Vùng đất lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, nhờ phương tiện độc đáo mang tính biểu đạt cao của thổ cẩm được bạn bè, du khách biết đến nhiều hơn.

Trong số các dân tộc có nghề dệt thổ cẩm phát triển ở Đắk Nông thì ba dân tộc đông người sinh sống lâu đời nhất là Mạ, Mơ Nông và Ê Đê. Trang phục thổ cẩm của các dân tộc khác thường mang màu chủ đạo là chàm, đen nhưng nhờ nghề dệt đạt tới trình độ tinh xảo nên sản phẩm của đồng bào Mơ Nông phối màu rực rỡ hơn. Đông bào đã lựa chọn được những nét hoa văn đẹp, độc đáo của các dân tộc khác và sáng tạo biến tấu thành nét đặc sắc của mình. Sản phẩm của nghề dệt truyền thống có trình độ cao này là những tấm thổ cẩm hoa văn phong phú, màu sắc đa dạng.

“Trong xu thế phát triển và hội nhập của xã hội tiêu dùng, những sản phẩm thổ cẩm dần bị coi nhẹ khiến những yếu tố văn hóa liên quan cũng mai một dần. Vì thế, lễ hội thổ cẩm là một trong những hoạt động cần thiết để bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, mở ra nhiều cơ hội để cộng đồng các dân tộc tại nhiều địa phương trong cả nước giới thiệu về “đặc sản” của mình. Những hiệu ứng tích cực từ lễ hội sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Đắk Nông sau 15 năm tái thành lập” - ông Quang bày tỏ sự lạc quan.

Phát huy văn hóa thổ cẩm

Được mời làm đại sứ của Lễ hội thổ cẩm Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam 2010 - Đặng Thị Ngọc Hân có những trăn trở, tâm huyết trong vai trò một nhà thiết kế. Cô chia sẻ: Để phát triển vùng nguyên liệu và đưa được các sản phẩm thổ cẩm ra thị trường cần có sự vào cuộc, trao đổi hợp tác nhiều hơn giữa các nhà thiết kế.

Với trách nhiệm vừa tham khảo, cập nhật xu hướng thời trang thế giới để có những thiết kế tạo dấu ấn thương hiệu thổ cẩm Việt, chúng tôi xác định phải có tác động tích cực trở lại với các nghệ nhân, gợi ý cho họ cách thay thế nguyên liệu dệt, học hỏi kỹ thuật nhuộm để có những màu sắc, phù hợp với xu hướng của ngành thời trang thời hội nhập. Không nên chỉ bó hẹp ứng dựng của thổ cẩm trong thiết kế thời trang mà có thể đưa những hoa văn, họa tiết độc đáo ấy vào ngành xây dựng, trang trí nội thất. Thổ cẩm đã phổ biến trên các mẫu thiết kế áo dài, khăn, váy, quần áo, túi xách, ví...

“Dân tộc Thái có váy đen, áo cóm và khăn piêu, dân tộc Dao có áo dệt bằng sợi bông nhuộm chàm; dân tộc Lào có các loại thổ cẩm hoa văn tinh tế. Thổ cẩm của dân tộc Thái, Lào làm từ sợi bông và tơ tằm.Thổ cẩm dân tộc Mông dệt từ sợi cây lanh, cho ra loại vải trắng và người phụ nữ Mông dùng sáp ong vẽ hoa văn lên váy rồi nhuộm chàm, thêu chỉ màu.

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên thổ cẩm của người Mông đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những trang phục thổ cẩm thêu, vẽ hoa văn mặt trời, hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay các đường lượn sóng đuổi nhau liên tiếp… là tài sản vô giá đối với phụ nữ các dân tộc và cũng là “gợi ý” quý giá cho ý tưởng thiết kế thời trang của tôi. Tôi đã chọn những nét tinh túy, giàu giá trị nhân văn của thổ cẩm ứng dụng trên những chất liệu hiện đại cho bộ sưu tập áo dài tham gia lễ hội” - nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.

Thông qua lễ hội thổ cẩm, Đắk Nông mong muốn tạo được bước khởi đầu đánh thức tiềm năng, nội lực. Đây cũng là động thái đánh động, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các nhà thiết kế thời trang để hướng tới việc tiếp thị sản phẩm thổ cẩm với thị trường, mở rộng phạm vi ứng dụng những sản phẩm truyền thống. Qua đó, tạo động lực để nghệ nhân của Đắk Nông giữ nghề. Trên nền móng đó, cùng với những chính sách ưu đãi khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ phát triển làng nghề, vùng nguyên liệu thổ cẩm để bảo tồn và giữ gìn, phát huy được nét đẹp văn hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.