Thiếu vi chất dinh dưỡng: Trả giá trí tuệ, sức khỏe suốt đời

GD&TĐ - Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi hay nhẹ cân dễ dàng nhận thấy qua mắt thường, bằng cân đo và có thể khắc phục bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nhưng với trẻ thiếu vi chất, khi xuất hiện triệu chứng đồng nghĩa với việc trẻ đã bị thiếu trong thời gian dài.

Thiếu vi chất dinh dưỡng: Trả giá trí tuệ, sức khỏe suốt đời

Khi các triệu chứng biểu hiện rầm rộ tức đã chuyển sang bệnh đặc trưng (đần độn, khô mắt, dị tật…) thì mọi sự can thiệp dù tốt đến mấy lúc này đều trở nên vô nghĩa.

“Đói”… triền miên

Nhiều năm nay, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai được tổ chức định kỳ hàng năm. Hàng triệu trẻ em, phụ nữ được thụ hưởng chương trình trên nhưng thực tế cho thấy việc bổ sung trên như… muối bỏ bể bởi nhóm đối tượng này không chỉ thiếu vitamin A mà còn thiếu nhiều vi chất quan trọng cho sự phát triển trí não, tinh thần, thể chất khác.

Nói vậy để thấy rằng, vi chất dinh dưỡng tuy chỉ cần hàm lượng nhỏ mỗi ngày nhưng nếu thiếu sẽ để lại di chứng nặng nề về trí tuệ, tinh thần và thể chất suốt cuộc đời của đứa trẻ.

Ngoài tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi, thống kê của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tình hình thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. ThS, bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) cho biết: Bức tranh về tình trạng thiếu vi chất được thể hiện qua con số điều tra trong 2 năm 2014 - 2015. Theo đó, tính trung bình, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi nước ta là 27,8%, trong đó miền núi lên tới 31,2%, nông thôn (28,4%) và thấp nhất là ở thành thị cũng chiếm 22,2%.

Tương tự, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Với vitamin A, dù hàng năm có chiến dịch bổ sung nhưng số trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A lâm sàng vẫn ở mức 13%. Bên cạnh đó, kẽm, một vi chất tác động đến sự phát triển thể chất, tham gia điều hòa vị giác, sinh sản, miễn dịch nhưng lại có tỷ lệ thiếu hụt đáng… sợ. Cả nước có tới 69,4% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, tình trạng này đặc biệt cao ở miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%) và 49,7% ở thành thị.

Thiếu vi chất dinh dưỡng xảy ra ở hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi. “Tình trạng này nhiều tới mức có 10 trẻ chúng tôi nhắm mắt cũng chỉ ra được vài trẻ thiếu vi chất” - ThS, bác sĩ Vân chia sẻ. Có lẽ, đây là lý do các chuyên gia dinh dưỡng ví thiếu vi chất là “nạn đói tiềm ẩn” do khó phát hiện. Điều đáng buồn, “nạn đói” này kéo dài năm này qua năm khác mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Ảnh hưởng cả thể chất và trí tuệ

Thống kê của cơ quan y tế cho thấy, hiện cả nước có gần 7,5 trẻ dưới 5 tuổi thì có xấp xỉ 1/3 trẻ thiếu máu do thiếu sắt, hơn 2/3 trẻ thiếu kẽm và gần 1 triệu trẻ thiếu vitamin A tiền lâm sàng, trong đó có trẻ thiếu nhiều vi chất cùng lúc.

Theo GS. TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế): Khoa học đã chứng minh cơ thể cần 6 vi chất dinh dưỡng trong đó có 4 loại đặc biệt cần thiết cho sự phát triển, hoạt động cơ thể, nếu thiếu sẽ để lại hậu quả ghê gớm đôi khi mắt thường không thể nhận ra. Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành.

Lâu nay, nhiều người chỉ quan tâm đến chiều cao, cân nặng của trẻ mà không biết rằng thiếu vi chất thì việc bổ sung dinh dưỡng sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn. Điển hình như thiếu sắt và iốt làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ em từ 10 - 15 điểm. Thiếu kẽm khiến trẻ chán ăn, buồn nôn còn người trưởng thành suy giảm chức năng sinh sản, rối loạn giấc ngủ. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tình trạng thiếu vi chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mỗi người và năng suất lao động một quốc gia.

Cho đến nay, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn coi thiếu vi chất là cuộc chiến phức tạp. Phức tạp bởi sự hờ hững của người dân trong việc bổ sung vi chất cho trẻ qua bữa ăn hàng ngày lẫn việc đưa trẻ đi uống vitamin A. Vậy cách duy nhất để có thể cải thiện trí lực, thể lực cho người dân là chủ động bổ sung các vi chất vào thực phẩm sử dụng hàng ngày. Đó là nước mắm, tương, gia vị, dầu ăn, gạo, muối…

Chi phí cho việc bổ sung vi chất vào thực phẩm không nhiều nhưng đem lại hiệu quả về sức khỏe, trí tuệ cho cả cộng đồng. Hiện những nước phát triển như Mỹ, Canada, Chile hay gần Việt Nam nhất là Philippines, Thái Lan đều yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung vi chất vào thực phẩm. Vậy không có lý gì, với tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em, phụ nữ như hiện nay, nước ta lại không làm.

Trì trệ về trí tuệ là khiếm khuyết không gì có thể bù đắp được. Do vậy, Nhật Bản tập trung đầu tư vào trẻ trong 1.000 ngày đầu đời qua việc bú sữa mẹ, bổ sung vi chất từ lâu. Kết quả chiến lược này là sự phát triển vượt bậc về trí tuệ, tầm vóc của người thanh niên Nhật ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.