Thiếu niên 15 tuổi chấn thương thận nặng do tai nạn giao thông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thiếu niên 15 tuổi được bạn chở đi bằng xe máy, bị tai nạn dẫn đến chấn thương thận nặng.

BS.CKI Trần Đại Phú - khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đang thăm khám lại cho bệnh nhân T.A trước khi xuất viện
BS.CKI Trần Đại Phú - khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đang thăm khám lại cho bệnh nhân T.A trước khi xuất viện

Ngày 15/4, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tổ chức cung cấp thông tin về trường hợp thiếu niên Đ.T.A (15 tuổi, ngụ quận 11) bị chấn thương thận nặng do tai nạn giao thông.

Bệnh nhân Đ.T.A kể, nhóm đi Vũng Tàu chơi gồm có 6 người, di chuyển trên 3 xe máy. T.A được một bạn chở nhưng do ngủ gục trong quá trình di chuyển nên mất lái, đâm vào tường nhà dân, cả hai bất tỉnh tại chỗ. Người cầm lái bị gãy chân, riêng hông của T.A bị va chạm mạnh vào tường.

T.A được sơ cứu tại Bệnh viện Vũng Tàu và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục điều trị.

BS.CKI Trần Đại Phú, khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, hình ảnh từ kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân T.A bị chấn thương thận trái độ 4, tụ dịch, máu bao quanh thận phải. Các bác sĩ bệnh viện tiến hành hồi sức và truyền 500ml máu, điều trị bảo tồn giữ thận.

Kết quả điều trị bảo tồn khả quan, tuy nhiên, đến ngày thứ 7, bệnh nhân T.A tiếp tục xuất huyết nên được truyền thêm 500 ml máu. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành can thiệp mạch máu để cầm máu.

Hiện tình trạng bệnh nhân A. đã ổn định và xuất viện trong ngày hôm nay (15/4).

Theo BS Phú, đây là ca can thiệp mạch điều trị chấn thương thận thứ 2 tại bệnh viện. Ca đầu tiên cách đây một năm, được tái khám định kỳ liên tục, tình trạng bệnh ổn định, khám sàng lọc chưa thấy có biến chứng xuất hiện.

BS Phú cho biết thêm, chấn thương thận chiếm 1 - 5% trong các loại chấn thương, chiếm 10% trong chấn thương vùng bụng.

Độ tuổi thường gặp là 8 – 12 tuổi, chủ yếu ở bé trai do hoạt động vui chơi, đá bóng, chạy nhảy hàng ngày hoặc do chấn thương từ tai nạn giao thông.

“Chấn thương thận phần lớn là chấn thương kín, chỉ thấy xây xát hoặc xuất hiện vết bầm bên ngoài da.

Trường hợp không phát hiện được chấn thương thận giai đoạn sớm thì triệu chứng xuất hiện muộn là chảy máu (tiểu ra máu), đau nhiều hơn. Đối với những ca thận bị chấn thương trước đây, bệnh viện tiến hành mổ cầm máu nhưng việc này rất khó để xác định vị trí chính xác mạch máu bị chảy, dẫn đến có khả năng phải cắt bỏ thận.

Nếu không cắt bỏ thận thì các sang thương trong quá trình tiếp cận gây ra di chứng, biến chứng của thận về mặt hình thái và chức năng", bác sĩ Phú thông tin.

BS Phú cho hay, thận là cơ quan trọng yếu nên cần can thiệp khẩn cấp. Hơn 90% ca chấn thương thận là độ 1, 2, 3. Hầu hết chấn thương thận dưới độ 4, thậm chí là độ 5 được điều trị bảo tồn (nếu không chảy máu tái phát).

“Không nên cho trẻ chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe máy tham gia giao thông vì sẽ không làm chủ được tốc độ, không xử lý được các tình huống nguy hiểm xảy ra, dễ gây tai nạn giao thông làm ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.

Đặc biệt, nếu bị tai nạn vùng bụng, hông lưng hoặc bất kỳ chấn thương nào khi xảy ra tai nạn, cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm, khám và điều trị kịp thời”, BS Tuấn khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ