Thiếu nhân lực chất lượng trong bán lẻ

GD&TĐ - Tình trạng lao động làm trái nghề đang diễn ra phổ biến, là điểm yếu của cả nhân lực cấp thấp, tới nhân lực cấp cao, khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp khó trong cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà.

Nhân lực bán hàng phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng
Nhân lực bán hàng phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng

Chất lượng lao động thấp

“Nhân lực phục vụ trong các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng phổ biến là chất lượng không cao, còn ở mức sơ khai, trình độ thấp, phong cách thiếu chuyên nghiệp do ít qua đào tạo” - Chuyên gia Vũ Thị Hồng Phượng (Đại học Thương mại) chia sẻ điểm yếu về nhân lực trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay. Theo bà Vũ Thị Hồng Phượng, cơ cấu bất hợp lý giữa các khâu mua, bán với giao nhận kho vận, hoặc xúc tiến thương mại; giữa lao động nghiệp vụ và lao động quản lý doanh nghiệp; giữa lao động trong khu vực doanh nghiệp với các cơ quan quản lý… Hay tình trạng lao động làm trái nghề đang diễn ra phổ biến.

Trong khi lao động làm thuê thiếu chuyên nghiệp, ít được đào tạo, thì ngay chính các chủ doanh nghiệp, giám đốc, cán bộ quản lý cũng có những hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động bán lẻ. “Một bộ phận lớn chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh và quản lý, còn thiếu kiến thức kinh tế - xã hội và kỹ năng quản trị kinh doanh. Đặc biệt, họ còn yếu về năng lực kinh doanh quốc tế và kiểm soát quy trình”, bà Hồng Phượng nêu thực tế.

Khuynh hướng phổ biến hiện nay diễn ra tại khu vực bán lẻ, đó là tình trạng quản lý theo kinh nghiệm. Nhân lực làm quản lý thiếu tầm nhìn chiến lược, đa phần chưa được trang bị đầy đủ kiến thức trên các phương diện như quản lý tổ chức, chiến lược cạnh tranh, phát triển thương hiệu, sử dụng ngoại ngữ, máy tính và công nghệ thông tin. Trong khi đó, trình độ nhân lực của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cao hơn hẳn.

“Họ được đào tạo bài bản và bố trí công việc phù hợp, đúng chuyên môn cũng như có chế độ đãi ngộ xứng đáng, do đó làm việc rất kỷ luật, chuyên nghiệp, hiệu quả, có khả năng chịu được áp lực công việc, đồng thời có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Đội ngũ quản lý của doanh nghiệp nước ngoài thường là những người năng động, am hiểu về kinh doanh bán lẻ và giàu kinh nghiêm quản lý, có tầm nhìn chiến lược”, bà Hồng Phượng cho biết.

Để chinh phục người tiêu dùng doanh nghiệp bán lẻ cần coi trọng yếu tố nhân lực. Ảnh T.G
  • Để chinh phục người tiêu dùng doanh nghiệp bán lẻ cần coi trọng yếu tố nhân lực. Ảnh T.G

Không biết “thượng đế” cần gì

Cùng với khó khăn về chất lượng và trình độ nhân lực, tình trạng không thường xuyên nghiên cứu thị trường, hay làm một cách rất sơ sài, mức đầu tư khiêm tốn, hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin, công cụ toán học, thống kê... khá phổ biến. Do đó, mặc dù doanh nghiệp Việt được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng bởi thấu hiểu được thói quen và văn hóa người tiêu dùng bản địa nhưng điều này chỉ đúng khi áp dụng cho một số thị trường mới, ở một số địa phương, không có cơ sở khi khẳng định ở quy mô “sân chơi” quốc tế.

Trong khi nhân lực có những “cái khó” thì khả năng tìm kiếm, khai thác và xử lý thông tin của cán bộ nghiên cứu thị trường được cho là còn yếu, dẫn đến tình trạng đa số các doanh nghiệp bán lẻ thụ động, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của nhà quản lý, chưa thực sự đặt khách hàng vào vị trí trung tâm nên không biết “thượng đế” đang cần gì.

Trước thực tế các nguồn lực của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khá dồi dào, thậm chí từ CEO cấp cao trở xuống đến chuyên gia đều được doanh nghiệp ngoại đưa vào Việt Nam, thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lại thiếu thốn hoặc chỉ mạnh về một vài nguồn lực nào đó. Để thắng trên sân nhà, doanh nghiệp không chỉ cần có kế hoạch đầu tư, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho lao động trong doanh nghiệp, mà còn phải coi đây là khâu trọng tâm trong phát triển, bên cạnh việc tăng cường năng lực của chủ doanh nghiệp, các CEO và cán bộ quản lý.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi những hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Do đó, các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh. Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và bán hàng online, mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp… Nhân lực trong lĩnh vực này cũng phải có kiến thức và năng lực phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.