(GD&TĐ) - Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào dịch vụ y tế, đồng thời củng cố các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhưng một số nhóm dân số như vị thành niên, thanh niên và những người chưa kết hôn còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản. Chính vì vậy, số trường hợp có thai ngoài ý muốn vẫn tăng đáng kể, dẫn tới tỷ lệ nạo phá thai, tử vong khi sinh cao.
Lỗ hổng nguy hiểm
Lấy chồng từ thửơ 13, nay mới 15 tuổi mà Vàng Thị Kìa (Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) đã chuẩn bị sinh con thứ 2. Cũng như lần trước, tuy cái thai đã được 7 tháng nhưng Kìa chưa một lần đi thăm khám. Kìa cho biết: “Đứa trước mình cũng có đến trạm y tế khám lần nào đâu mà vẫn đẻ được đấy thôi. Lần này, mình lại nhờ bà đỡ trong thôn chứ trạm xá xa lắm, không đến được”.
Theo bà Lò Thị Vương (Phó trưởng ban Dân tộc, tỉnh Lai Châu), với 86% dân số là người dân tộc nên tình trạng tảo hôn diễn ra tương đối phổ biến. Điều tra từ năm 2004 -2011 toàn tỉnh có 1.600 người tảo hôn. Bên cạnh vấn nạn tảo hôn, việc chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ nhí, những đứa trẻ được sinh ra từ bà mẹ trẻ con luôn là vấn đề nóng với các tỉnh miền núi. Đây là lý do kiến tỷ lệ chết mẹ sau khi sinh ở tỉnh này cao nhất nhì cả nước (90/100.000 bà mẹ).
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 12.000 thôn, bản ở 517 xã vùng sâu, vùng xa chưa có hộ sinh; 33% bệnh viện huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai; 48% chưa có khả năng truyền máu; 20% sản phụ ở vùng núi Tây Bắc chưa được hỗ trợ y tế; tỷ lệ tử vong mẹ trong khi sinh là 200/100.000 bà mẹ. Kết quả một khảo sát về thực trạng chăm sóc sau khi sinh của 1.783 bà mẹ tuổi từ 15 - 49 ở 16 xã thuộc 8 huyện của các tỉnh Thái Nguyên, Khánh Hòa, Phú Yên, Vĩnh Long do Hội Y tế Cộng đồng Việt Nam thực hiện từ năm 2008 đến nay cũng cho thấy, chỉ có 1/3 số bà mẹ và trẻ sơ sinh được thăm khám kịp thời sau sinh
TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng việc thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc thai sản, thiếu cô đỡ thôn bản ở địa phương trên là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tử vong mẹ cao gấp 3 - 4 lần so với khu vực thành thị, đồng bằng.
Tảo hôn diễn ra phổ biến trong cộng đồng người dân tộc Ảnh: Minh Tân |
Cần nhanh chóng lấp đầy
Lấy chồng sớm khiến nhiều em gái bỏ lỡ cơ hội học hành, không có kiến thức để chăm sóc bản thân, con cái cũng như phát triển kinh tế gia đình. Đẻ con khi cơ thể chưa phát triển toàn diện khiến cho đứa trẻ sinh ra cũng còi cọc, không đủ sức đề kháng, dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm… Ngoài ra, nghèo đói khiến bữa ăn của các em không đủ dinh dưỡng. Cũng do nghèo nên nhiều chị em không có điều kiện để mua sữa bột và các thức ăn khác cho trẻ sơ sinh nên ít có khả năng cho con ăn đủ chất ngay từ bữa ăn dặm đầu đời.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, ông Takeshi Kasai cho rằng: Việt Nam cần tập trung vào việc phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tình dục an toàn vào năm 2015. Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Kasai khuyến cáo Việt Nam cần chú trọng đặc biệt về sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, dân tộc thiểu số, người nhập cư và thanh thiếu niên và người cao tuổi. Theo đó, cần lồng ghép sức khỏe sinh sản và quyền vào tất cả các kế hoạch phát triển và giảm nghèo. Đầu tư cho phổ cập tiếp cận sức khỏe sinh sản là đầu tư thiết yếu cho sức khỏe toàn dân và giúp mang lại một tương lai bền vững hơn. Đầu tư cho sức khỏe của phụ nữ trong thời gian họ mang thai và sinh con sẽ không chỉ giúp cứu sống phụ nữ mà còn đem lại lợi ích kép cho gia đình, cộng đồng và quốc gia.
Ở một số vùng nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trên 90% các ca sinh được thực hiện tại nhà và 80% các ca sinh này chưa được cán bộ y tế đã qua đào tạo hỗ trợ. Thực tế cho thấy, nếu có mặt nữ hộ sinh thì họ có thể giúp ổn định sức khỏe và đưa ra quyết định chuyển tuyến những ca tai biến phức tạp tới các dịch vụ chuyên khoa thì có thể ngăn chặn tới 90% các ca tử vong mẹ. (Bà Mandeep K. OBrien, nguyên Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liêp Hiệp Quốc tại Việt Nam). |
Việt Văn