Thiếu công trình cấp nước, ba làng uống nước sông

GD&TĐ - Nước sinh hoạt không có bởi khe suối đã khô cạn, người dân phải lấy nước sông để uống, giặt giũ, tắm rửa. Đấy là thực tế đang diễn ra từ nhiều năm nay ở ba thôn Đầu Gò, Tam Hiệp và Đồng Chàm (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Quảng Nam).  

Thiếu công trình cấp nước,  ba làng uống nước sông

Đào cát lấy nước

Chiều về, cụ bà Hồ Thị Em (78 tuổi, thôn Đầu Gò) quẩy đòn gánh với 2 cái thùng ra sông cào cát lấy nước. Cụ cào lên một lớp cát, lấy gàu gạn ra phần nước đục, thấy nước trong hơn thì múc vào thùng. Khi chưa biết đến máy bơm, thì đây là cách lấy nước chung của các người dân thôn Đầu Gò, Tam Hiệp, Đồng Chàm từ bao đời.

Ông Lê Hồng Trung, Phó trưởng thôn Đầu Gò, than thở: “Dòng sông mấy chục năm xưa khác lắm với dòng sông bây giờ, chỗ tụi tôi lấy nước chỉ cách lòng sông chừng vài tấc, mà lòng sông đầy chất xyanua từ mấy lán trại đào vàng ở sông Thanh đổ về, tụi tôi tắm thấy ngứa, khi đun sôi lên thì thấy có một lớp gì trăng trắng đọng ở đáy ấm”.

Thật ra, một số hộ của ba thôn cũng có đường ống dẫn nước từ một bể chứa lấy nước từ khe trên núi, nhưng mấy năm nay khe cạn nước, mà nếu có nước thì cũng đục ngầu. Dù nước lấy từ sông hay từ khe, để uống được, họ phải lọc qua một bộ lọc thô sơ, là cái thùng có chứa cát và mấy viên sỏi lượm từ ngoài sông. Còn có cách lọc đơn giản hơn như cách của ông Nguyễn Tấn Lý (56 tuổi, Tam Hiệp): Lấy một miếng vải bịt vào ống dẫn, cho nước chảy ra, đoạn ông giở miếng vải ra, miếng vải đen ngòm.

Các công trình cấp nước đều hư hại

Tháng 6/2012, khu tái định cư thôn Tam Hiệp được hình thành từ việc di dời các hộ dân hai thôn Ba Tớt và Thác Cạn trước đó. Chính quyền xã cũng xây một bể dẫn nước từ một cái khe nhỏ trên núi chứa vào bể, cung cấp nước cho hai thôn Tam Hiệp và Đồng Chàm. Nhưng mấy năm nay khe dần cạn nước, chỉ khi nào mưa xuống một trận mới có nước, mà nước đục ngầu.

Ở thôn Đồng Chàm cũng có một cái giếng được xây từ lâu. Nhưng giếng cũng như khe, mấy năm nay cạn nước, nước cũng đục ngầu; cũng có mấy hộ tới lấy nước, nhưng lấy một lần là giếng trơ đáy. Còn tại thôn Đầu Gò có một ống bơm do một đoàn từ thiện tài trợ kinh phí xây, nhưng đã hỏng từ 2 năm trước, nên hầu như tất cả người dân đều dùng nước sông.

Người dân trong các thôn đều bảo ngày xưa còn có thể xuống sông tắm giặt, gánh nước về uống, nhưng hơn chục năm qua, từ khi có các công trình thủy điện, rồi những lán trại khai thác vàng trên thượng nguồn, nước sông lúc nào cũng đục ngầu, tắm thì ngứa, khi đun sôi lên thì toàn thấy gợn bên trong, không lọc đi thì không dám uống.

Ba thôn này có gần 200 hộ dân với gần 700 nhân khẩu, là nơi khó khăn nhất ở huyện Đại Lộc, nếu không nói là khó khăn nhất trong số các nơi được gọi là đồng bằng ở Quảng Nam. Người dân mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng thơm, hai năm mới thu hoạch một lần, vì cách trở đò giang nên tư thương thường xuyên ép giá. Họ sống giữa một ngã ba sông (giữa sông Bung, sông Cái, sông Vu Gia) ấy thế nước sạch cũng không có mà dùng.

Ông Nguyễn Đình Hữu, Trưởng thôn Đồng Chàm lắc đầu: “Muốn dùng được nước sạch thì tụi tôi phải mua nước đóng chai về, mà tiền đâu mua cho nhiều, ở đây dân chúng tôi đều nghèo, tắm nước sông thì ngứa lắm. Ô nhiễm quá rồi, vậy mà vẫn phải lọc về mà dùng thôi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.