Hôm 28/5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk trong cuộc họp báo đã giới thiệu về cái gọi là dự án “Lá chắn phương Đông” trong tương lai để bảo vệ đất nước.
Theo dự kiến, nước này sẽ hoàn thành việc xây dựng tuyến phòng thủ vào năm 2028.
Theo tuyên bố của quan chức Ba Lan, chính quyền Warsaw dự định đầu tư 2,4 tỷ euro vào dự án này, trong đó có một phần ngân sách tài trợ của các quỹ thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Ông Cezary Tomczyk cho biết, nước này sẽ đặt hàng nghìn cột bê tông cốt thép chống tăng, chăng dây thép gai và đào các hào chống tăng dọc theo 400 km biên giới Ba Lan-Belarus. Hệ thống phòng thủ này sẽ được tăng cường khả năng phòng thủ bằng các bãi mìn dày đặc chống sự xâm nhập của xe tăng và thiết giáp.
Ngoài ra, Quân đội Ba Lan còn có kế hoạch xây dựng hàng chục điểm hỏa lực và lô cốt cho quân nhân, được nối với nhau bằng hào giao thông để binh sĩ dễ dàng cơ động tới các cứ điểm phòng thủ.
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Ba Lan, hệ thống phòng thủ này còn được bảo vệ bổ sung bằng các rào cản tự nhiên bao gồm: Các vùng đất ngập nước, các vạt rừng dày đặc và kênh đào nhân tạo.
Theo các chuyên gia quân sự Nga, hệ thống phòng thủ biên giới này của Ba Lan có tính chất tương tự như “Phòng tuyến Surovikin” mà Lực lượng Vũ trang Nga đã thiết lập ở vùng Zaporozhye của Ukraine, chặn đứng hoàn toàn chiến dịch phản công của Quân đội Ukraine vào khu vực Rabotino.
Theo các quan chức quân sự, chi phí tạo ra các tuyến phòng thủ quy mô lớn như vậy sẽ tiêu tốn 2,4 tỷ euro, tương đương 6 triệu euro cho mỗi km biên giới.
Chính quyền Warsaw hy vọng rằng, chi phí xây dựng tuyến phòng thủ tương tự như “Phòng tuyến Surovikin” của Nga sẽ được tài trợ một phần từ các quỹ của Liên minh Châu Âu.
Xin lưu ý rằng hơn 100 km biên giới Ba Lan-Belarus đi qua lãnh thổ của Khu bảo tồn Thiên nhiên Belovezhskaya Pushcha. Trong đó, khoảng một phần ba chiều dài của tuyến phòng thủ được đề xuất sẽ trải dài qua các khu dự trữ sinh quyển và các khu rừng hoang sơ.
Rõ ràng là việc xây dựng các công sự quy mô lớn như vậy sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục không chỉ đối với khu bảo tồn của Ba Lan mà còn đối với hệ sinh thái của nước láng giềng Belarus.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng, rõ ràng là các cấu trúc như vậy sẽ không thể bảo vệ Ba Lan khỏi tên lửa hành trình và đạn đạo trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng, mà nó chỉ có khả năng chống lại các cuộc tấn công bằng lực lượng bộ binh và phương tiện cơ giới.