Giải pháp gắn với chủ đề người lính trong thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở chương trình Ngữ văn 12 là sáng kiến kinh nghiệm môn Ngữ văn được đánh giá cao nhất tỉnh năm 2017.
Theo đó, việc thiết kế các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tiến hành theo 8 bước: Xác định nhu cầu tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; đặt tên cho hoạt động; xác định mục tiêu của hoạt động; xác định nội dung và phương pháp, phương tiện, hình thức của hoạt động; lập kế hoạch; thiết kế chi tiết hoạt động trên bản giấy; kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động; lưu trữ kết quả hoạt động vào hồ sơ của học sinh.
1: Xác định nhu cầu tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu và chương trình giáo dục hiện hành của môn Ngữ văn, giáo viên (GV) cần tiến hành khảo sát nhu cầu, điều kiện tiến hành HĐTNST. Từ kết quả khảo sát, GV có giải pháp khắc phục và xử lí để HĐTNST đạt kết quả.
GV cũng cần hiểu rõ đặc điểm học sinh tham gia nhằm thiết kế hoạt động phù hợp đặc điểm lứa tuổi và có các biện pháp phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra.
2: Đặt tên cho hoạt động
Việc đặt tên cho hoạt động cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: Rõ ràng, chính xác; Phản ánh được chủ đề và nội dung của hoạt động; Tạo được ấn tượng ban đầu cho học sinh;
Tên hoạt động đã được gợi ý trong bản kế hoạch HĐTNST, nhưng có thể tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể của từng lớp để lựa chọn tên khác cho hoạt động. Giáo viên cũng có thể lựa chọn các hoạt động khác ngoài hoạt động đã được gợi ý trong kế hoạch của nhà trường, nhưng phải bám sát chủ đề của hoạt động và phục vụ tốt cho việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của một chủ đề, tránh xa rời mục tiêu.
3: Xác định mục tiêu của hoạt động TNST
GV cần xác định được mục tiêu của các hoạt động, thực chất là dự kiến trước kết quả của hoạt động. Các mục tiêu hoạt động cần phải được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp; phản ánh được các mực độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về tri thức, kĩ năng, thái độ và định hướng giá trị.
Khi xác định mục tiêu HĐTNST, GVcần phải trả lời câu hỏi: Hoạt động này có thể hình thành cho học sinh những kiến thức ở mức độ nào? (Khối lượng và chất lượng đạt được của kiến thức)? Những kỹ năng nào có thể được hình thành ở học sinh và các mức độ của nó đạt được sau khi tham gia hoạt động? Những thái độ, giá trị (phẩm chất) nào có thể được hình thành hay thay đổi ở học sinh sau hoạt động?
4: Xác định nội dung và phương pháp, phương tiện, hình thức của hoạt động
Mục tiêu có thể đạt được hay không phụ thuộc vào việc xác định đầy đủ và hợp lý những nội dung và hình thức của hoạt động. GV cần liệt kê đầy đủ các nội dung hoạt động phải thực hiện. Cụ thể, với đề tài người lính trong thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các nội dung trải nghiệm gồm: xem phim về người lính; trò chơi tập làm nghệ sĩ; trò chơi hệ thống hóa kiến thức trả lời câu hỏi; trò chơi vẽ tranh; sáng tác và cảm nhận. Từ nội dung trên của HĐTNST, cô Đặng Thị Hoài chọn hình thức TNST diễn đàn thảo luận kết hợp với trò chơi.
Từ nội dung, gv xác định cụ thể phương pháp tiến hành, xác định những phương tiện cần có để tiến hành hoạt động. Từ đó lựa chọn hình thức hoạt động tương ứng. Có thể một hoạt động nhưng có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện đan xen hoặc, trong đó cần xác định có một hình thức là chủ đạo, còn hình thức khác là phụ trợ.
Tranh vẽ học sinh THPT Sốp Cộp trong phần HĐTNST vẽ tranh |
5: Lập kế hoạch
Muốn biến các mục tiêu thành hiện thực thì GV phải lập kế hoạch, trình tổ chuyên môn và nhà trường phê duyệt. Lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu tức là tìm các nguồn lực (nhân lực - vật lực - tài liệu) và thời gian, không gian,... cần cho việc hoàn thành các mục tiêu.
Chi phí về tất cả các mặt phải được xác định. Hơn nữa phải tìm ra phương án chi phí ít nhất cho việc thực hiện mỗi một mục tiêu. Vì đạt được mục tiêu với chi phí ít nhất là để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc. Đó là điều mà bất kì người quản lý nào cũng mong muốn và cố gắng đạt được. Tính cân đối của kế hoạch đòi hỏi GV phải tìm ra đủ các nguồn lực và điều kiện để thực hiện mỗi mục tiêu.
6: Thiết kế chi tiết hoạt động trên bản giấy
Trong bước này, cần phải xác định: Có bao nhiêu việc cần phải thực hiện? Các việc đó là gì? Nội dung của mỗi việc đó ra sao? Tiến trình và thời gian thực hiện các việc đó như thế nào? Các công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, các cá nhân. Yêu cầu cần đạt được của mỗi việc.
Để các lực lượng tham gia có thể phối hợp tốt, nên thiết kế kế hoạch trên các cột.
7: Kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động
Rà soát, kiểm tra lại nội dung và trình tự của các việc, thời gian thực hiện cho từng việc, xem xét tính hợp lý, khả năng thực hiện và kết quả cần đạt được.
Nếu phát hiện những sai sót hoặc bất hợp lý ở khâu nào, bước nào, nội dung nào hay việc nào thì kịp thời điều chỉnh.
Cuối cùng, hoàn thiện bản thiết kế chương trình hoạt động và cụ thể hóa chương trình đó bằng văn bản. Đó là giáo án tổ chức hoạt động.
Hoạt động nhận xét trao giải cho HĐTNSTtại Trường THPT Sốp Cộp |
8: Lưu trữ kết quả hoạt động vào hồ sơ của học sinh
GV có thể lưu trữ kết quả HĐTNST của học sinh bằng ghi hình hoạt động để đánh giá, rút kinh nghiệm .Đồng thời qua đây có thể phát hiện những năng lực cần phát triển thêm cho HS, giáo dục để thiện nhân cách và phẩm chất chất cho HS. Hoặc giúp HS tháo gỡ những khó khăn trong TNST, cũng như vận dụng học tập vào thực tiễn cuộc sống
GV thu bài làm của HS để chấm và cho điểm, lấy điểm kiểm tra thường xuyên (bài 15 phút). Qua đây để đánh giá HS và chất lượng giảng dạy, HĐTNST. Đây cũng là hình thức khuyến khích các em tham gia HĐTNST trách nhiệm và hiệu quả hơn.