Thiết kế bài dạy phát triển năng lực: Góc nhìn từ chuyên gia

Thiết kế bài dạy phát triển năng lực: Góc nhìn từ chuyên gia

Lưu ý quan trọng khi xác định mục tiêu bài học

PGS.TS Lê Huy Hoàng - Chủ biên chương trình môn Công nghệ, Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật (Trường ĐHSP Hà Nội), cho biết: Mục tiêu bài học là nội dung mô tả điều học sinh đạt được sau bài dạy. Đây là nội dung cần xác định trước hết trong tiến trình thiết kế bài học. Trên cơ sở đó, các thành phần khác của kế hoạch bài dạy mới được xác định.

Trong dạy học phát triển năng lực và phẩm chất, mục tiêu bài học cần bảo đảm các yêu cầu sau: Thể hiện đầy đủ các thành phần của mục tiêu: Bao gồm mục tiêu kiến thức, kĩ năng, phát triển năng lực và phẩm chất. Bám sát yêu cầu cần đạt của nội dung dạy học, yêu cầu cần đạt của năng lực đặc thù, năng lực chung cốt lõi, phẩm chất chủ yếu trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục và chương trình tổng thể. Bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, đo lường và đánh giá được.

Chia sẻ về tiến trình thiết kế mục tiêu bài học, PGS.TS Lê Huy Hoàng nhấn mạnh việc phân tích và cụ thể hóa yêu cầu cần đạt. Theo đó, yêu cầu cần đạt cho từng nội dung trong chương trình được thể hiện dưới dạng các kiến thức, kĩ năng tương ứng. Trong chương trình môn học, bên cạnh những yêu cầu cần đạt được xác định tường minh và rõ ràng, một số yêu cầu cần đạt được viết tương đối khái quát, và chung cho một lớp đối tượng để bảo đảm tính mở của chương trình.

Chuyển hóa yêu cầu cần đạt trong chương trình thành mục tiêu bài học có thể thực hiện các thao tác: Nhận biết yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng; tách yêu cầu cần đạt lớn thành các yêu cầu cần đạt nhỏ hơn; cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt (đối với yêu cầu cần đạt được viết tương đối khái quát và chung cho một lớp đối tượng trong chương trình); viết mục tiêu kiến thức và kĩ năng cho bài học.

Nội dung tiếp theo được PGS.TS Lê Huy Hoàng nhấn mạnh liên quan đến thiết kế mục tiêu bài học là xác định mục tiêu phát triển năng lực cho bài học với năng lực đặc thù và phẩm chất, năng lực chung cốt lõi.

Khi biên soạn chương trình, yêu cầu cần đạt của năng lực đặc thù được thể hiện thông qua yêu cầu cần đạt trong từng mạch nội dung, chủ đề cụ thể. Theo cách đó, việc đạt được mục tiêu dạy học trong các mạch nội dung, chủ đề cũng là đạt được yêu cầu cần đạt của năng lực đặc thù. Tuy nhiên, khi thiết kế bài học, cần tham chiếu thêm tới các thành phần, yêu cầu cần đạt của năng lực đặc thù (khác với yêu cầu cần đạt đã được thể hiện trong mục tiêu kiến thức, kĩ năng của bài học). Yêu cầu cần đạt này được phát biểu trong ngữ cảnh của nội dung bài học.

 Nhìn chung, không nên đề cập quá nhiều yêu cầu cần đạt phát triển năng lực chung, phẩm chất cho mỗi bài học. Cần lựa chọn những yêu cầu cần đạt bài học có cơ hội tác động nhiều nhất để đưa vào mục tiêu phát triển năng lực. 
PGS.TS Lê Huy Hoàng

Trong chương trình, năng lực chung cốt lõi và phẩm chất chủ yếu chưa được thể hiện trong yêu cầu cần đạt của các mạch nội dung, chủ đề cụ thể. Căn cứ vào đặc điểm nội dung bài học, xác định yêu cầu cần đạt cụ thể về năng lực chung, phẩm chất bài học góp phần phát triển. Mục tiêu phát triển năng lực chung và phẩm chất được viết dựa trên mô tả chung trong chương trình tổng thể và ngữ cảnh nội dung bài học.

PGS.TS Lê Huy Hoàng
PGS.TS Lê Huy Hoàng 

Sử dụng kênh chữ, kênh hình để thể hiện nội dung bài học

Về biên soạn nội dung dạy học, PGS Lê Huy Hoàng nhấn mạnh đến tiêu chí đánh giá nội dung dạy học. Theo đó, nội dung dạy học phản ánh các tri thức về chủ đề dạy học. Trong dạy học phát triển năng lực, nội dung dạy học là chất liệu tổ chức các hoạt động dạy học nhằm đạt được mục tiêu bài học. Nội dung dạy học cần bảo đảm các yêu cầu: Tính khoa học, cơ bản, thực tiễn và cập nhật; kế thừa nội dung dạy học trong chương trình hiện hành; phù hợp với mục tiêu bài học.

Thực hiện tiến trình biên soạn nội dung dạy học trước hết cần hình thành cấu trúc nội dung dạy học. Trên cơ sở mục tiêu bài học, liệt kê các danh từ xuất hiện trong các mục tiêu, kết nhóm các danh từ có liên quan làm cơ sở đề xuất các nội dung cho bài học. Phân tích các động từ được sử dụng trong mục tiêu làm cơ sở đề xuất độ sâu, phức tạp của nội dung được đề cập hay mức độ kĩ năng cần hình thành và phát triển cho học sinh. Kết thúc bước này, cần đưa ra cấu trúc bài học dưới dạng đề mục, mô tả tóm tắt nội dung, mức độ đề cập trong mỗi đề mục.

Khi bắt tay biên soạn nội dung dạy học, giáo viên tìm kiếm các tài liệu có liên quan; chú ý sự phù hợp về mức độ đề cập trong bài học. Sau đó, sử dụng kênh chữ, kênh hình để thể hiện nội dung phù hợp với cấu trúc bài học đã được xác định. Cuối cùng, rà soát, đánh giá mức độ phù hợp với cấu trúc nội dung và các mô tả mức độ đề cập nội dung trong bài học, chỉnh sửa và hoàn thiện.

Lựa chọn phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp

Nhấn mạnh phương pháp dạy học cần phát huy hứng thú học tập, thúc đẩy sự tham gia của người học; tạo thách thức, nhận thức phù hợp với tâm sinh lý của học sinh; khuyến khích tự chủ, tích cực của người học; đa dạng, bảo đảm phân hóa, phù hợp nhịp độ học tập; được biểu hiện qua hoạt động học tập, thực hành, trải nghiệm, PGS Lê Huy Hoàng gợi ý lựa chọn phương pháp, kĩ thuật dạy học như sau:

Lựa chọn phương pháp dựa vào nội dung: Cần phân tích đặc điểm nội dung dạy học để lựa chọn phương pháp phù hợp. Nội dung môn học có thể được chia thành các cặp đặc điểm: Xa lạ và mới với học sinh - gần gũi và học sinh đã có trải nghiệm; trừu tượng và khó hiểu - cụ thể và dễ hiểu; kiến thức - hành động. Ví dụ: Với những nội dung xa lạ và mới với học sinh, có thể phải diễn giải, minh họa để học sinh tiếp cận dễ dàng với kiến thức mới. Ngược lại, với những nội dung học tập gần gũi, có thể đàm thoại, khai thác những kinh nghiệm đã có của học sinh, hệ thống hóa và dẫn dắt tới kiến thức mới được đề cập trong bài học.

Lựa chọn phương pháp dựa vào mục tiêu: Mục tiêu bài học sử dụng động từ để thể hiện các cấp độ nhận thức khác nhau. Ở cấp độ thấp như trình bày, liệt kê, kê tên… có thể sử dụng các phương pháp như thuyết trình, trực quan, các kĩ thuật đọc tích cực. Ở các cấp độ cao hơn như phân tích, so sánh, liên hệ, vận dụng… có thể sử dụng các phương pháp học tập theo nhóm, dạy học dự án, dạy học giải quyết vấn đề…

GV cần bám sát định hướng đổi mới để thiết kế bài dạy. Ảnh: Thiên Thanh
GV cần bám sát định hướng đổi mới để thiết kế bài dạy. Ảnh: Thiên Thanh 

Cách thức thiết kế hoạt động dạy học

PGS Lê Huy Hoàng cho rằng: Mỗi hoạt động dạy học cần có mục tiêu rõ ràng, kết nối và đồng bộ với mục tiêu chung của bài học. Phương pháp tổ chức hoạt động phù hợp với mục tiêu, nội dung của hoạt động và đồng bộ với phương pháp, kĩ thuật dạy học đã lựa chọn trong phần lựa chọn chung cho cả bài học. Cần thể hiện rõ hoạt động của giáo viên, hoạt động của học sinh và sự đồng bộ, hợp lý của hai hoạt động đó.

Đồng thời, mô tả được cách thức đánh giá trong hoạt động dạy học bảo đảm mỗi học sinh nhận thức được mức độ đạt được của bản thân so với mục tiêu bài học. Thể hiện đầy đủ thông tin về thời điểm và cách thức sử dụng phương tiện, các học liệu sử dụng trong bài học. Tiến trình thiết kế hoạt động dạy học được PGS Lê Huy Hoàng đưa ra như sau:

Đặt tên cho hoạt động: Để thống nhất, tên của hoạt động dạy học nên được xác định cho chủ thể là học sinh. Nêu tên của hoạt động dạy học thường xuất phát bằng động từ như tìm hiểu, khám phá, thử nghiệm, so sánh... Động từ trong hoạt động được lựa chọn trên cơ sở xem xét mục tiêu của hoạt động dạy học.

Xác định mục tiêu của hoạt động: Được xác định dựa trên mục tiêu chung của bài học trên cơ sở xem xét sự phối hợp đồng bộ với mục tiêu của các hoạt động dạy học khác trong bài dạy.

Lựa chọn phương pháp, kĩ thuật dạy học: Phương pháp, kĩ thuật dạy học trong hoạt động dạy học được thực hiện tương tự như lựa chọn phương pháp, kĩ thuật dạy học cho cả bài học.

Chuẩn bị tư liệu, phiếu học tập: Tư liệu, phiếu học tập được xây dựng trên cơ sở các nhiệm vụ học tập, các phương pháp và kĩ thuật dạy học được lựa chọn bảo đảm hoạt động học tập thuận lợi với học sinh, đạt mục tiêu của hoạt động.

Hoạt động đánh giá: Ở mỗi thời điểm nhất định trong hoạt động dạy học, cần có kế hoạch thu thập thông tin về tiến trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh, đưa ra các phản hồi để học sinh biết, điều chỉnh hoạt động học để hoàn thành mục tiêu hoạt động. Việc đánh giá quá trình có thể được thực hiện thông qua quan sát, đặt câu hỏi, gợi ý, đưa ra các phản hồi…

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa đúng với bản chất của giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học, như dạy học tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn, phương pháp bàn tay nặn bột, dạy học gắn với di sản, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương, cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học… Làm tốt những việc này chính là đang triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.                      PGS.TS Lê Huy Hoàng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ