Thống kê từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, tính đến 10/9, mưa to đã làm 2 người dân bị thương nhẹ; 1.256 nhà bị tốc mái, sạt lở, ngập nước; 214 nhà phải di dời khẩn cấp; 20 nhà bị cô lập do nước lũ, 8 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 299 nhà bị ngập nước, 9 nhà nước đã rút; 210 hộ đã di dời đến nơi an toàn, 20 hộ còn lại, ở lại nhà do nước mới ngập đến sàn nhà.
Toàn tỉnh có trên 1.343ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.
Trên các tuyến quốc lộ có nhiều vị trí bị sạt lở đất đá, khối lượng khoảng trên 300.000m3 đất đá, nhiều điểm sạt lở taluy dương, hư hỏng đường, cầu, ngầm tràn...
45 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 160m kè bờ sông bị sạt lở. Một số công trình nhà xưởng, cột điện, trụ sở UBND xã, trụ sở y tế, khu dân cư; trụ sở các nhà văn hóa bị sạt lở, hư hỏng.
Mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ tại một số vùng trũng, thấp ở các xã Nam Mẫu, Khang Ninh, huyện Ba Bể; xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn; thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì; huyện Chợ Mới...
Ước thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 160 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công điện đã ban hành.
Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức cưỡng chế di dời đối với các tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn sơ tán phòng, tránh thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở tiếp tục tăng cường đưa tin cảnh báo kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Các cấp chính quyền, đơn vị liên quan đang tiếp tục thực hiện công tác trực ban 24/24, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân để phòng tránh.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo các đơn vị trường học không nên chủ quan, tiếp tục theo dõi sát sao thời tiết, lên phương án khắc phục thiệt hại, thực hiện dọn vệ sinh trường lớp, phòng ngừa dịch bệnh bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Để bảo đảm an toàn trong dạy và học, các nhà trường thực hiện công tác vệ sinh trường, lớp học, kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm an toàn; kiểm tra, quản lý tốt sĩ số; tuyên truyền cho phụ huynh bảo đảm an toàn trong quá trình đưa đón trẻ, các trường mầm non đã tổ chức ăn bán trú cũng tăng cường kiểm soát việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cô giáo Nông Thị Lê Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu (TP Bắc Kạn) cho hay, sau khi xem xét các điều kiện về thời tiết, cơ sở vật chất bảo đảm, Trường Tiểu học Sông Cầu đã tổ chức học lại từ ngày hôm nay (10/9).
Nhà trường thông báo lịch học đến toàn bộ phụ huynh, nhắc nhở phụ huynh bảo đảm an toàn trong việc đưa, đón trẻ.
Hôm nay, toàn trường có hơn 900 học sinh đến lớp.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Kạn có 17 trường và điểm trường bị sụt lún ở một số nhà bán trú, nhà để xe, nhà lớp học; 5 trường và điểm trường bị tốc mái nhà để xe, công vụ, nhà vệ sinh, nhà bán trú, thư viện; một trường bị ngập như: Điểm trường Bản Cám, Trường Mầm non Nam Mẫu (Ba Bể) bị ngập đến gần nóc, Trường Nội trú Na Rì bị nước tràn vào tầng 1 phòng học bộ môn; 7 trường bị đổ tường rào; một số trường mầm non hỏng thiết bị đồ chơi ngoài trời do mưa bão…
Về nhà ở của giáo viên và người lao động trong ngành, có 39 nhà bị sạt lở, tốc mái, ngập nước… do bão lũ.
Trong ngày 10/9, toàn tỉnh Bắc Kạn có 165 cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại; 124 trường học nghỉ toàn bộ. Các trường chưa tổ chức cho học sinh đi học trở lại là do sạt lở, lụt, đập tràn không qua được và nhiều trường bị nước tràn vào khu sân trường nên chưa thể tổ chức học.