Chặn flycam bay vào vùng cần bảo vệ
Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái flycam” của nhóm tác giả đến từ Bộ môn Tác chiến điện tử, khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự vừa là 1 trong 5 giải pháp đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16, được trao vào tối 11/5 tại Hà Nội.
Đại tá - PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, chủ nhiệm đề tài cho biết, thiết bị áp chế flycam, có tên CA-18, do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu và chế tạo có khả năng chế áp, phá sóng các thiết bị không người lái khác bay vào khu vực cần bảo vệ với bán kính rộng hàng km, tạo vùng cấm bay (vùng điện từ) xung quanh khu vực, mục tiêu bảo vệ. Trong một số trường hợp, thiết bị này có thể chế áp nhiều flycam cùng lúc.
Theo quy định về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, các hành vi bị nghiêm cấm gồm tổ chức hoạt động bay khi chưa có phép, tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, quy định, giới hạn cho phép. Ngoài ra, cá nhân và tổ chức có thể bị xử phạt khi vi phạm các quy định.
Thiết bị cá nhân áp chế máy bay không người lái - CA18 được thiết kế để chế áp các mục tiêu bay tầm thấp khu vực mục tiêu được bảo vệ. Có trọng lượng chiến đấu chỉ khoảng 12kg, CA18 hoạt động áp chế ở ba dải tần gồm: Dải GPS, dải điều khiển và dải truyền dữ liệu số.
Trong các tình huống cụ thể CA18 có thể sử dụng để buộc hạ cánh và thu giữ drone, buộc chúng bay về vị trí xuất phát để phát hiện đối tượng điều khiển bên dưới mặt đất. Chặn mục tiêu bay, không cho bay vào mục tiêu đang được bảo vệ hoặc vùng cấm bay xung quanh mục tiêu cần bảo vệ.
Những tính năng chiến thuật của thiết bị chế áp flycam là ép hạ cánh, thu giữ flycam; Bắt flycam bay về vị trí xuất phát để bắt đối tượng điều khiển; Chế áp đồng thời nhiều flycam trên một hướng; Tạo vùng cấm bay nhân tạo xung quanh mục tiêu bảo vệ bằng cách giả lập tọa độ GPS nhằm đánh lừa thiết bị nhận biết, định vị dẫn đường trên flycam.
Thiết bị có các mô-đun như vô hiệu hóa điều khiển RF với ăng-ten định hướng, vô hiệu hóa điều khiển và dữ liệu RF với ăng-ten định hướng, từ chối GPS với ăng-ten định hướng; giả lập GPS đánh lừa thiết bị nhận biết, định vị dẫn đường của Flycam.
Bảo vệ các sự kiện quan trọng
Đại tá - PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, trước khi có sản phẩm này, các hãng nước ngoài cũng chào bán giới thiệu thiết bị với nhiều tính năng, nhưng lại bí mật về thông số kỹ thuật. Điều này gây khó khăn trong quá trình sử dụng, vận hành.
Các nhà khoa học phải mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu từ đầu để đưa ra giải pháp công nghệ chế áp phương tiện bay không người lái flycam. Điểm nổi bật của sản phẩm so với các thiết bị nhập khẩu và chào hàng là tạo ra vùng cấm bay nhân tạo rộng nhằm đánh lừa thiết bị dẫn đường cho flycam.
Thông thường, flycam có chế độ dẫn bay tự động tìm đến điểm mà người sử dụng cài đặt, thiết bị sẽ phá chế độ này. Tính năng này ở các thiết bị nhập khẩu hiện cũng chưa có.
Từ năm 2012, nhóm đã bắt tay nghiên cứu thiết bị do nhận thấy nhiều mối đe dọa từ việc sử dụng máy bay flycam. Gần đây, thiết bị flycam xuất hiện nhiều hơn, đem lại hiệu quả cao trong nhiều lĩnh vực song các mối đe dọa tiềm tàng cũng xuất hiện. Thời điểm nghiên cứu chậm hơn so với nước ngoài 1 - 2 năm nhưng thành quả đạt được tương đương với các sản phẩm của nước ngoài.
Điều khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu là không có nguồn để tham khảo bởi thông số kỹ thuật thiết bị của nước ngoài không được công bố. Bản thân máy bay flycam là công nghệ cao, để chế áp nó đòi hỏi phải có công nghệ tương đương hoặc mạnh hơn.
Đại tá - PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thiết bị đã tham gia bảo vệ các sự kiện, lễ hội quan trọng ở nhiều địa phương rất thành công. Giá sản phẩm do nước ngoài chào hàng khoảng 2 tỷ đồng, nhưng giá sản phẩm của nhóm nghiên cứu khi được sản xuất hàng loạt sẽ dưới 1 tỷ đồng.
Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận “Thiết kế sản phẩm Quốc phòng” của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cho phép sản xuất hàng loạt.