Thiết bị SleepLoop mới thử nghiệm được thiết kế để trợ giúp người dùng bằng cách phát ra âm thanh, giúp họ dễ ngủ sâu hơn.
SleepLoop hiện được phát triển tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich). Thiết bị được lấy cảm hứng từ các nghiên cứu trước đây, với kết luận cho rằng, âm thanh được phát qua tai nghe sẽ giúp tăng cường sóng não được gọi là sóng chậm. Trong khi đó, khi ngủ sâu, mắt và các cơ bắp thả lỏng, sóng não chậm hơn các giai đoạn ngủ khác.
Giấc ngủ là điều cần thiết cho cuộc sống. Song, thực tế, nhiều người đối mặt với tình trạng thiếu ngủ. Mất ngủ mãn tính có liên quan đến các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, cũng như rối loạn não, bao gồm bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, đến nay, kết quả tạo ra sóng chậm chỉ đạt được trong các phòng thí nghiệm về giấc ngủ, với điều kiện được kiểm soát. Ngược lại, SleepLoop được thiết kế để sử dụng ở nhà, mỗi đêm (nếu cần).
Phần băng đô của thiết bị có chứa các điện cực và một vi mạch. Nhờ đó, có khả năng theo dõi liên tục hoạt động điện não của người đeo. Ngay khi phát hiện sóng chậm, SleepLoop sẽ phát ra tín hiệu thính giác. Mặc dù, người đeo không nghe thấy âm thanh này một cách có ý thức, nhưng tín hiệu được cho là đã tăng cường sóng chậm bằng cách giúp đồng bộ hóa hoạt động của các tế bào thần kinh có liên quan.
Trong một thử nghiệm, 16 tình nguyện viên từ 62 - 78 tuổi đã sử dụng SleepLoop tại nhà mỗi đêm trong bốn tuần. Thiết bị phát ra tín hiệu thúc đẩy giấc ngủ chỉ trong hai tuần. Tuy nhiên, cả những người tham gia và các nhà nghiên cứu đều không biết trước đó là hai tuần nào.
Khi dữ liệu ghi lại được phân tích sau đó, các nhà khoa học nhận thấy, việc sử dụng SleepLoop đã thực sự cải thiện sóng chậm ở một số người thử nghiệm. Trong khi đó, thiết bị này ít hoặc không ảnh hưởng đến những người khác.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà khoa học đang cố gắng thiết lập một phương pháp dự đoán thiết bị sẽ hoạt động tốt như thế nào trên các cá nhân cụ thể. Từ đó, cải thiện hiệu suất của SleepLoop.
SleepLoop hiện được thương mại hóa bởi Công ty Spinoff Tosoo. Một bài báo về nghiên cứu, do Tiến sĩ Caroline Lustenberger dẫn đầu, gần đây đã được xuất bản trên tạp chí Communications Medicine.