Với thiết bị này người nông dân chọn được những trái sầu riêng chín đều và chất lượng nhất.
Nhận biết sầu riêng chín hay xanh
Dự án “Thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng” của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên gồm: Hoàng Ngọc Trung Nguyên, Trần Thị Hồng Nhung, Nguyễn Võ Ngọc Hiệp, Nguyễn Thị Huyền Trinh, Đinh Trung Đức.
Đinh Trung Đức, sinh viên Sư phạm Vật lý, K21, Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, nhận thấy mỗi năm nhà mình đều tốn rất nhiều tiền thuê người gõ kiểm tra độ chín sầu riêng trước khi thu hoạch.
Cùng với các bạn mình, Đức tham khảo ý kiến của TS Lê Minh Tân, Trưởng Bộ môn Vật lý, Trường ĐH Tây Nguyên và bắt tay vào thực hiện. Sau khi máy cơ bản hoàn thiện, suốt ba tháng, nhóm của Đức đi khắp các vườn sầu riêng để thí nghiệm, vận hành thử.
“Thiết bị này có thể đạt hiệu quả đến 80% và đang trong quá trình nâng cấp hơn nữa”, TS Lê Minh Tân vui mừng chia sẻ. Sản phẩm ứng dụng công nghệ AI trong phân loại sầu riêng, giảm việc sử dụng sức lao động của con người trong sản xuất nhưng vẫn đem lại hiệu quả, năng suất, mang lại sự tiện lợi cho người sản xuất nông nghiệp. Khi gõ thì thiết bị sẽ phát hiện sầu riêng có độ tuổi 7,5 trở lên (có thể cắt được), đèn sẽ sáng lên hỗ trợ cho người cắt sầu riêng quyết định.
Sinh viên Hoàng Ngọc Trung Nguyên cho hay, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong việc phân tích phổ âm thanh gõ, ít tốn sức lao động của con người trong sản xuất nhưng vẫn đem lại hiệu quả, tăng giá trị cho quả sầu riêng.
Thiết bị dùng AI để so sánh 2 file âm thanh và sơ đồ để đưa ra kết quả. Khó khăn là trong quá trình ghi âm dễ có tạp âm như giọng nói hoặc tiếng động khác khiến máy không phân biệt được đâu là âm thanh của trái sầu riêng. Do vậy yêu cầu trong quá trình gõ sầu riêng là phải yên lặng.
Với người chuyên nghề gõ sầu riêng, tỉ lệ không chính xác có thể lên đến 10%. Số tiền phải trả cho một người thợ gõ sầu riêng khá lớn. Kết quả thử nghiệm của nhóm cho thấy, độ chính xác đạt được từ 75 - 80%, bằng với một người thợ gõ sầu riêng lâu năm.
Thiết bị của nhóm đã được đưa vào sử dụng thử nghiệm tại một số nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và nhận được phản hồi tích cực của người dùng bởi tính tiện lợi, dễ sử dụng và có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao.
Sẽ nhận diện được các giống khác nhau
Hiện tại thiết bị của nhóm mới chỉ thực hiện nhận diện được ở giống sầu riêng Dona hay còn gọi là sầu Thái. Thời gian tới, nhóm sẽ mở rộng nhận diện ra các giống sầu riêng khác. Nhóm đang có ý tưởng sẽ thu hết các file âm thanh của các giống sầu riêng khác nhau. Khi cần gõ giống sầu riêng nào, chỉ cần bật công tắc của giống đó là có thể nhận biết được.
Sản phẩm này đơn giản, dễ sử dụng, nhỏ gọn, có trang bị cáp kết nối dây mic thu âm để gõ quả trên cao, có thể tùy chỉnh chế độ tùy thuộc vào từng loại sầu riêng. Hiện sản phẩm có 2 phiên bản với mức giá lần lượt là 2.900.000 đồng và 4.000.000 đồng, có thể thay thế cho 1 người thợ làm việc. Hiện nay, tiền công để thuê 1 người thợ gõ sầu riêng là khoảng 2.000.000 đồng/ngày.
TS Lê Minh Tân đánh giá, thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng là một sáng kiến nhằm cải thiện quy trình thu hoạch sầu riêng, giúp nông dân xác định độ chín của quả một cách chính xác và nhanh chóng hơn.
Thiết bị này không chỉ giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình thu hoạch mà còn tiết kiệm thời gian và công sức. Thiết bị dễ dàng triển khai ứng dụng trên thực tế với giá thành phải chăng, đem lại hiệu quả rất lớn cho người nông dân. Dự án này hứa hẹn sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành sản xuất và xuất khẩu sầu riêng.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng được trồng nhiều tại các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có lợi thế là có thể cung cấp sản lượng sầu riêng hầu như quanh năm so với các nước khác chỉ cung cấp vào một khoảng thời gian nhất định.
Cả nước hiện nay có hơn 110.000 ha sầu riêng, sản lượng khoảng trên 1 triệu tấn. Diện tích chủ yếu tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Lâm Đồng. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri 6, Dona và một số ít giống Chín Hóa.