Đơn giản, giá rẻ
Sản phẩm bẫy muỗi Mosla ra đời với thiết kế đơn giản mà độc đáo. Không cần sử dụng điện hay hóa chất, Mosla tận dụng cơ chế tự nhiên để dẫn dụ muỗi mẹ tìm đến đẻ trứng. Lăng quăng sau khi nở ra sẽ bị giữ lại trong bẫy và không thể thoát ra ngoài.
Với cấu trúc này, sản phẩm giảm thiểu sự phát triển của muỗi, từ đó góp phần kiểm soát dịch sốt xuất huyết. Để đạt đến thiết kế cuối cùng, ông Khỏe đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, từ điều chỉnh độ rộng khe hở, mực nước cho đến lựa chọn chiều cao và chất liệu phù hợp.
Việc ứng dụng công nghệ in 3D đã giúp ông Khỏe hiện thực hóa ý tưởng một cách hiệu quả hơn, tiết kiệm cả về thời gian lẫn chi phí. “Công nghệ in 3D giúp tôi rút ngắn được thời gian, chi phí cho một bộ khuôn mẫu, khiến nó rẻ hơn rất nhiều”, ông Khỏe chia sẻ. Nhờ công nghệ này, ông có thể tạo ra nhiều mẫu thử với chi phí thấp, từ 5 - 7 triệu đồng, thay vì tốn kém hàng trăm triệu đồng để sản xuất khuôn mẫu bằng các phương pháp truyền thống.
Với Mosla, nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe đã nhận được bằng độc quyền sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ sau hơn 5 năm chờ đợi. Sản phẩm có giá bán dự kiến chỉ khoảng 100 nghìn đồng/chiếc và khả năng sử dụng lâu dài.
Ông Khỏe mong muốn có thể cung cấp bẫy muỗi này đến người dân Việt Nam và tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Mục tiêu của ông là 1 - 3 năm tới sẽ cung cấp 1 triệu sản phẩm tại Việt Nam, và trong 5 năm có thể đạt đến con số hàng trăm triệu sản phẩm trên toàn cầu.
Ý tưởng làm bẫy muỗi được bắt đầu từ năm 2016, khi ông Khỏe thành lập công ty cung cấp giải pháp sấy bằng nhiệt mặt trời. Khi lắp hệ thống sấy cho khách, ông nhận thấy hầu như nơi nào cũng đối mặt với muỗi hoành hành, đặc biệt mùa mưa. Các giải pháp dùng vợt điện, nhang chống muỗi hay hóa chất ít nhiều không đảm bảo an toàn, gây tác dụng phụ với người dễ bị dị ứng như người già, trẻ em.
Đến năm 2022, trong một lần mở quạt nước để vệ sinh, ông phát hiện nhiều muỗi bay ra từ két chứa nước làm mát. Tháo dụng cụ chứa nước quạt, ông thấy có nhiều lăng quăng bơi trong đó. “Tôi nghĩ đến việc làm dụng cụ bắt muỗi từ phát hiện này”, ông Khỏe nói.
Không có kiến thức chuyên môn, ông Khỏe lên mạng tìm hiểu tập tính sinh học của muỗi và nhận ra, các giải pháp đang có hiện nay chỉ tiêu diệt được muỗi trưởng thành, còn việc sinh sản, tăng sinh số lượng của chúng chưa được quan tâm, phòng chống tận gốc. Nhận thấy, muỗi có đặc điểm sinh sản, đẻ trứng ở những nơi đọng nước, chỗ tối ông chế tạo thiết bị bắt muỗi bằng việc ngăn chặn chúng tăng số lượng thông qua việc đẻ trứng.
Hiệu quả vượt trội
Tác giả Nguyễn Văn Khỏe thiết kế bẫy bắt muỗi dạng hình trụ, làm bằng nhựa in 3D. Sản phẩm gồm hai phần chính gồm nơi cho muỗi mẹ đẻ trứng và khu vực chứa lăng quăng sau khi nở. Khi người dùng đổ nước vào bẫy, nước sẽ thu hút muỗi mẹ đến đẻ trứng.
Trong khu vực này có cấu tạo dạng phễu, đáy có khe hở. Trong 3 - 4 tuần, trứng sẽ nở thành lăng quăng và chúng sẽ đi theo khe hở đến khu vực chứa. Do không có thức ăn và không thể thoát ra ngoài bởi toàn bộ khu vực này đã được bịt kín, lăng quăng sẽ chết sau vài ngày, xác sẽ rơi xuống đáy bình.
Khi bẫy bắt muỗi có nhiều cặn ở đáy, người dùng sẽ vệ sinh và đổ nước để sử dụng tiếp. “Đặc tính của muỗi là thích đẻ trứng nơi nước sạch, nên sản phẩm này rất phù hợp để bắt muỗi”, ông Khỏe nói.
Trong quá trình chế tạo, ông nói việc thiết kế khe hở để lăng quăng bơi xuống khu vực chứa là khó khăn nhất. Khe hở không quá nhỏ để lăng quăng có thể chui qua, nhưng cũng không quá lớn khiến chúng có thể bơi trở lại khu vực đẻ trứng.
Trong khoảng 6 tháng, ông thử nghiệm nhiều kích thước khe hở để tìm ra độ rộng tối ưu. Phần khung nhựa, ông đặt hàng in 3D để tiết kiệm chi phí mỗi khi điều chỉnh các thông số kỹ thuật. Thử nghiệm thực tế cho thấy, sau khoảng 3 tháng, thiết bị có thể bắt 50 - 70 lăng quăng và hàng trăm trứng.
ThS Trần Phi Hùng - chuyên gia ký sinh trùng và côn trùng, nguyên giảng viên Khoa Sinh học và Công nghệ sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) cho biết, tác giả hướng đến là loài truyền sốt xuất huyết cho người. Muỗi sốt xuất huyết có đặc tính hay hoạt động ban ngày, thích đẻ trứng trong vật chứa nhỏ, trong bóng mát và hơi tối, phù hợp với giải pháp tác giả đưa ra.
Tuy nhiên, với những nơi có mật độ cao, chỉ cần 1 - 2 ngày chúng sẽ đẻ trứng nhiều ở các vật chứa có đặc điểm trên chứ không riêng gì vị trí có bẫy. Chuyên gia cho rằng, ngoài phương pháp này có thể sử dụng bẫy muỗi bằng ánh sáng để thu hút chúng vào ban đêm.
Hiện tại, thiết bị bắt muỗi Mosla được ông Khỏe sản xuất và đặt ở các khu vực nhà vườn, nhà xưởng, những nơi có nhiều muỗi để thử nghiệm. Kết quả cho thấy, khu vực nào đặt thiết bị này sẽ hạn chế được khá nhiều muỗi.
Mong muốn của tác giả là thời gian tới sẽ phối hợp với hệ thống y tế cơ sở để đặt thử nghiệm sản phẩm tại các khu vực có nhiều muỗi sinh sôi, phát triển. Khi có kết quả thử nghiệm chính xác sẽ tiến hành mở rộng sản xuất và thương mại hóa sản phẩm ở quy mô lớn hơn, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thành rẻ.