“Các thiên thần hộ mệnh”
Khi tỷ lệ tội phạm giảm xuống, có vẻ như công chúng không cần đến sự xuất hiện của “Các thiên thần hộ mệnh” nữa nhưng họ vẫn âm thầm hiện diện trừ ác không chỉ cho thành phố New York mà còn cả trên bình diện quốc tế.
Họ từng đối phó với những tên du thủ du thực của thế giới “xã hội đen” Gotham, và trong năm 2019 bùng nổ cái gọi là “thời đại #MeToo”, họ chống lại “những con sói tình dục tàu điện ngầm” qua một sứ mạng mới được trao cho một đơn vị tuần tra toàn phụ nữ, được gọi là “Đội oanh tạc đồi trụy”.
Thế hệ trẻ tham gia vào tổ chức này không có nhiều. Và mặc dù logo của tổ chức rất dễ nhận ra nhưng không mấy ai hiểu cặn kẽ về ý nghĩa của nó.
Năm 2019 này đánh dấu 40 năm hành trình trừ gian, diệt bạo hoàn toàn phi lợi nhuận của tổ chức. Nó được hình thành khi New York phát sinh một đợt dịch tội phạm.
Năm 1977, Curtis Sliwa khi đó mới 23 tuổi, đang làm quản lý ca đêm tại một nhà hàng McDonald’s ở khu phố Bronx, bị ngợp với nạn bạo lực xảy ra như cơm bữa trong nhà hàng của mình, anh quyết định phải làm gì đó để thay đổi tình hình.
Buổi ban đầu, Curtis Sliwa thành lập nên cái gọi là “Khai chiến 13”, đó là một nhóm hiệp sĩ kiên quyết đấu tranh chống lại tội phạm tại nhà ga tàu điện ngầm. Họ học võ thuật căn bản, kỹ năng cấp cứu và tạo dựng một hệ thống đặc biệt chuyên tuần tra tàu điện ngầm.
Họ lái những con tàu tới nơi thường hay xảy ra giao tranh băng đảng, mỗi “hiệp sĩ” lái một tàu. Tại mỗi trạm dừng, họ sẽ nhoài đầu ra ngoài cửa tàu điện và nếu có “Thiên thần” nào bước ra thì đồng nghĩa có ai đó cần được bảo vệ.
Chỉ trong vòng 2 năm, từ 13 người ban đầu đã tăng lên 500 người và Curtis Slima chính thức trở thành “Đại ca”. Năm 1979, tổ chức được mang tên chính thức là “Các thiên thần hộ mệnh”. Curtis Silwa chiêu mộ các thành viên với đủ thành phần, nhiều người là những anh chị giang hồ đã “rửa tay gác kiếm” và muốn đóng góp công sức để xóa sổ tội phạm ở các cộng đồng của họ.
“Các Thiên thần hộ mệnh”. |
Curtis trang bị cho các thành viên trong tổ chức một loại mũ nồi màu đỏ kiểu nhà binh, áo phông và áo sơ mi có gắn logo đôi cánh thiên thần và đôi mắt biểu tượng Tam Điểm (quán xuyến mọi thứ). Không ai được phép cầm theo vũ khí nhưng trên đường phố lúc đi tuần tra, họ đã biến những chiếc mũ nồi thành một món binh khí lợi hại có thể đánh văng dao và súng, bảo vệ cho vô số trẻ em khỏi bị thương tích do các băng đảng gây ra.
“Các thiên thần hộ mệnh” trở thành đội chống tội phạm thú vị nhất của thành phố New York. Cũng trong năm 1979, bộ phim “Các chiến binh” đặc tả một thế giới ngầm vô pháp ở New York được công chiếu đã thúc đẩy sự ra đời của “những hiệp sĩ đường phố” này.
Vượt lên sự ganh tị của cảnh sát
Dù được công chúng hoan nghênh khi xuất hiện ở các ga tàu điện nhưng quan hệ giữa “Các thiên thần hộ mệnh” với lực lượng cảnh sát lại rất khác biệt.
Một “Thiên thần” tên là Gregory kể: “Hồi năm 1979, lúc tổ chức mới bắt đầu xuất hiện, cảnh sát không thiện cảm với chúng tôi. Họ không muốn chúng tôi rớ tới công việc của họ. Nhưng công bằng mà nói, họ làm việc cũng đâu có hiệu quả”.
Bộ phim công chiếu vào năm 2014 mang tựa đề “Năm bạo lực nhất” cũng làm lộ sáng nạn bạo lực kinh khủng của New York vào thập niên 1980. Nói về an toàn của New York hôm nay, “Đại ca” Curtis chắc nịch: “Bọn giang hồ hết đất sống rồi. Một phần do chính sách, phần khác cũng nhờ có công nghệ, camera có ở mọi nơi”.
Trong thập niên 1980, ông Curtis thường hay nói thẳng về những thiếu sót của cảnh sát địa phương với giới truyền thông. Ngay từ buổi đầu, Curtis Silwa và tổ chức của ông đã bị công khai châm chọc bởi giới chức thành phố cũng như cảnh sát và truyền thông. Bản thân ông Curtis buộc phải thừa nhận rằng, ông đã tạo ra vài vụ bắt cóc giả nhằm muốn hình ảnh của bản thân có sức hút hơn với công luận.
Tổ chức “Các thiên thần hộ mệnh” đã được trao cơ hội để trở thành mạng lưới cộng đồng an toàn. Các thành viên mới buộc phải trải qua 6 tháng học võ thuật phòng vệ tại trụ sở của tổ chức ở Brooklyn; những người khác làm công tác tạm giữ tội phạm trong lúc chờ cảnh sát đến áp giải.
Ông Curtis cho hay, việc tuần tra toàn thành phố tối thiểu là 4 tiếng/ngày (cả trong tàu điện ngầm và trên phố). Ông cho biết: “Mọi thành viên trong tổ chức đều xài điện thoại di động. Tôi cho rằng nó cũng là một công cụ hữu ích trong việc giảm thấp tỷ lệ tội phạm”.
Tuần tra trên đường phố New York. |
Curtis là nhà hùng biện của tổ chức này. Chính nó đã mang lại cho ông nghề nghiệp thứ hai là người dẫn chương trình truyền thanh trong vòng hai thập niên qua. Năm 1992, Curtis Silwa suýt chết bởi bàn tay của “bố già” tội phạm John Gotti sau khi ông công khai vạch mặt tên này trên đài truyền thanh. John Gotti bị buộc tội giết người, nhưng hắn ta chưa từng bị kết án.
Ngày hôm nay, “Các thiên thần hộ mệnh” hoạt động trên khắp thế giới và vươn xa tới Nhật Bản, họ chống lại tệ bắt nạt trên mạng, cũng như hoạt động vì quyền lợi của động vật. Cậu con trai Anthony (15 tuổi) của ông Curtis đang sắp sửa là thế hệ mới của tổ chức “Các thiên thần hộ mệnh”.