Thiên thạch khổng lồ làm thay đổi hình dạng Trái Đất

Một thiên thạch khổng lồ va vào Trái Đất cách đây 1,85 tỷ năm, gây ra phun trào núi lửa và thay đổi cấu trúc tổng thể của hành tinh.

Thiên thạch khổng lồ làm thay đổi hình dạng Trái Đất

Các nhà địa chất từ Đại học Trinity Dublin cho biết một thiên thạch khổng lồ đã lao vào Trái Đất cách đây 1,85 tỷ năm, tạo ra lòng chảo sâu 1,5 km ở Sudbury, Canada ngày nay và gây nhiều biến đổi trên bề mặt Trái Đất.

Kết luận này được đưa ra sau khi nghiên cứu các khối đá ở một trong những cấu trúc va chạm được bảo tồn lâu nhất thế giới.

Nghiên cứu cho thấy thiên thạch có thể gây núi lửa phun trào kéo dài, làm biến đổi bề mặt và thậm chí là cả khí hậu Trái Đất. Ngoài những loại đá nóng chảy lấp đầy khu vực Sudbury sau va chạm, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy mảnh vỡ núi lửa có hình dạng giống như càng cua. Chúng hình thành khi bong bóng khí giãn nở trong đá nóng chảy, sau đó phát nổ khối dung nham tiếp xúc với nước.

Các nhà khoa học nhận thấy núi lửa phun trào tại lòng chảo Sudbury trong một thời gian dài sau vụ va chạm. Thành phần cấu tạo các mảnh vỡ núi lửa cũng thay đổi qua nhiều năm.

Đây là phát hiện quan trọng, điều này có nghĩa nguồn dung nham cho các núi lửa thay đổi theo thời gian. Tác động từ những vụ thiên thạch va chạm với Trái Đất có thể lớn hơn dự đoán trước đây.

Trong thời đại Trái Đất sơ khai, có giai đoạn ngắn chứng kiến hơn 150 cú va chạm với các thiên thạch khổng lồ. Chúng đóng vai trò khá lớn trong cấu trúc Trái Đất. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động tương tự có thể xuất hiện ở các hành tinh khác, nơi thiếu kiến tạo địa tầng như sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa và Mặt Trăng.

Sự bắn phá dữ dội đã phá hủy bề mặt Trái Đất sơ khai. Nhưng quá trình này cũng đưa một số vật chất từ dưới lòng đất lên bề mặt, làm thay đổi rõ rệt cấu trúc hành tinh, nhóm nghiên cứu kết luận.

Theo VnExpress

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ