Thiên tài trong lòng mẹ

GD&TĐ - Vợ chồng tôi quyết tâm chuyển nhà từ quê lên thành phố để con có môi trường học tập tốt hơn. Thời điểm đó, An (con gái tôi) mới lên 9 tuổi. Tôi đã rất lo lắng, sợ con khó hòa nhập cuộc sống mới. 

Thiên tài trong lòng mẹ

Ngày đầu tiên, tôi định đưa con đến tận cổng trường rồi mới đi làm. Nhưng An lắc đầu: “Mẹ ơi, con tự đi học được mà. Trường cũng gần nhà, lại có xe buýt đưa đón nữa. Mẹ đừng lo”. 

Tôi đoán rằng, được học ở một ngôi trường danh tiếng khiến con bé phấn khích đến mức quên hết cả sợ hãi. An đã nài nỉ rất nhiều để được tôi cho phép con bé tự bắt xe buýt đến trường. Cuối cùng, tôi phải đồng ý. 

Sau này, tôi được nghe An kể lại một câu chuyện vô cùng thú vị mà con bé đã được trải nghiệm trong ngày đầu tiên ở ngôi trường mới. 

Khi xe buýt đậu ở sân trường, tụi trẻ chạy ngay lên lớp học của mình. An chạy hơi chậm nhưng vẫn theo kịp các bạn để không bị nhầm lớp. Sau khi quan sát trang phục và đầu tóc của An, một vài đứa trẻ nhanh chóng nhận ra con bé là dân tỉnh lẻ, chúng bắt đầu chế giễu, trêu chọc An. May cho An, cô giáo bước vào lớp ngay lúc đó và yêu cầu tụi trẻ giữ trật tự. 

Cô chào An bằng một nụ cười và giới thiệu với cả lớp: “Các em ơi, đây là bạn An, từ hôm nay, bạn ấy sẽ là một thành viên trong tập thể của chúng ta. Các em vỗ tay chào đón bạn nhé”. 

Sau tràng vỗ tay, An không nghe được thêm một tiếng xì xào nào nữa, ngoài giọng nói của cô giáo. Hôm đó, cả lớp có một bài kiểm tra bất ngờ. Cô giáo yêu cầu lũ trẻ viết ra thật nhanh chóng 7 kỳ quan thế giới. Tất cả đều chăm chú vào cây bút và tờ giấy, trong khi An viết một cách chậm rãi. 

Khi tất cả các bạn đã hoàn thành bài kiểm tra và lần lượt nộp bài cho cô giáo, An vẫn cắm cúi viết tiếp. Cô giáo phải đến tận nơi, hỏi: “An à, có chuyện gì thế? Đừng quá lo lắng, em chỉ cần viết những gì em biết thôi mà, các bạn khác cũng vậy”. 

An trả lời: “Thưa cô, thế giới có rất nhiều kỳ quan, em đã chọn ra 7 thứ để viết!”. Cô giáo động viên An: “Ừ, vậy em đã viết xong chưa?”. An chìa tờ giấy về phía cô, đính kèm một nụ cười tự tin: “Dạ đây ạ, em viết xong rồi ạ”.

Cô giáo cầm tờ giấy, bước rất nhanh để trở lại bục giảng, sau đó cô đọc to từng câu trả lời của từng thành viên trong lớp. Hầu như các thành viên trong lớp đều kể ra những kỳ quan nổi tiếng như: Vạn lý trường thành của Trung Quốc, Đấu trường La Mã, Đại kim tự tháp Giza, Tháp nghiêng Pisa, Vườn treo Babylon...v.v...

Cô giáo bày tỏ rằng cô rất vui vì các bạn đã nhớ lại những gì được học trên lớp. Cuối cùng, cô cầm tờ giấy của An cùng một biểu cảm hết sức kinh ngạc: “Các em có biết, 7 kỳ quan mà bạn An đã viết ra là gì không? Đó là: Có thể nhìn, có thể nghe, cảm nhận, cười, suy nghĩ, tử tế và... yêu thương”.

Nghe An kể tới đó, tôi ôm con vào lòng, siết thật chặt: “Con gái yêu của mẹ, mẹ rất tự hào về con”.

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi và chồng luôn để ý từng hành động nhỏ của An để kịp thời nhắc nhở nếu con làm sai. Nhưng An hiếm khi bị bố mẹ bắt lỗi, dường như con bé trưởng thành và chín chắn hơn nhiều so với tuổi của nó. 

Tôi biết con mình có tính cách tự lập từ bé, nhưng khi lên cấp 2, An vẫn khiến tôi ngạc nhiên về cách suy nghĩ quá già dặn của nó. Một lần, An chia sẻ với tôi về những gì con bé muốn thực hiện trong tương lai: “Khi nào đủ 18 tuổi, con sẽ sang Hàn Quốc để tham gia một cuộc thi tuyển chọn tài năng. Con muốn trở thành một thần tượng. Nếu không được chọn, con vẫn sẽ ở lại Hàn Quốc để học ngành trang điểm”.

Lúc đó, tôi chỉ biết dỏng tai lên nghe con nói chứ không dám cấm cản. Thực ra, tôi chưa tin An có khả năng nào đó quá đặc biệt. Nhưng tôi đã sai, khi An lên lớp 9, con luôn nhắc lại với tôi ước mơ của mình: Sang Hàn Quốc để trở thành một ngôi sao. Tôi vẫn giữ thái độ bình thản, không quá phấn khích mỗi khi nghe con chia sẻ chuyện này. Nhưng có một điều tôi phải ghi nhận ở An, đó là việc con bé thường xuyên viết hoặc nói ra những câu triết lý rất hay. 

Có hôm An biết tôi buồn, con bé lén nhét vào túi đi làm của tôi một mảnh giấy nhỏ, bên trong là lời nhắn: “Mẹ đừng sợ hãi khi mất đi một ai đó. Hãy lo sợ khi mẹ đánh mất bản thân mình vì cố chiều lòng người khác”.

Gần đây, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của cả gia đình, vợ chồng tôi cảm thấy rất mệt mỏi. An đã vẽ một bức tranh kèm những chỉ dẫn cực kỳ tỉ mỉ và ý nghĩa về cách ứng phó với những biến động khó lường trong mùa dịch. Tất cả đều do con bé tự nghĩ ra.

Ngắm tác phẩm của con, tôi bật khóc vì cảm thấy mình quá may mắn. Tôi hối hận vì không nhận ra sớm hơn, rằng Chúa đã ban cho chúng tôi một thiên tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.