Tuy nhiên, số lượng thí sinh tham gia dự thi đông nhất phải kể đến Hà Nội, với 94.347 thí sinh đến làm thủ tục dự thi trong ngày 6/6. Ngày 7/6, các em chính thức bước vào kỳ thi kéo dài 2 ngày, với 2 môn trong ngày thi đầu tiên là Ngữ văn (buổi sáng) và Toán (buổi chiều) còn ngày tiếp theo là các môn thi chuyên.
Tăng vọt tỷ lệ “chọi”
Chỉ cần nhìn vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi so với chỉ tiêu của các trường THPT công lập ở Hà Nội và TPHCM cũng đủ thấy tỉ lệ “chọi” trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay lớn đến thế nào.
Tại TPHCM, theo số liệu đăng ký nguyện vọng của thí sinh do Sở GD&ĐT công bố, TP có hơn 87.000 thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 với 145 điểm thi. Tổng chỉ tiêu 103 trường THPT công lập trên toàn TP là 67.000. Như vậy tại kỳ thi đã được TPHCM tổ chức trong 2 ngày 2- 3/6, sẽ có hơn 22.000 thí sinh sẽ không trúng tuyển.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT cho biết số HS tốt nghiệp THCS của TP là 105.000 em, nhưng chỉ 94.499 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10. Tuy vậy, tổng chỉ tiêu vào các trường THPT công lập của toàn TP cũng chỉ là 64.990, như vậy sẽ có tới chừng 30.000 thí sinh không trúng tuyển trong kỳ thi này. Tất nhiên, nếu không vào được trường công lập, các em vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác, tùy theo điều kiện gia đình và năng lực bản thân; chẳng hạn chuyển sang học trường quốc tế, trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên hoặc học trường nghề...
Việc thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay tăng đột biến, không chỉ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, mà còn được ghi nhận ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Nguyên nhân chính có thể lý giải là bởi đây là những em sinh ra vào năm 2003, được coi là “năm đẹp”, thường được gọi là thế hệ “dê vàng”. Tại Hà Nội và TPHCM, áp lực còn có phần cao hơn bởi sự tăng dân số cơ học trong vài năm trở lại đây (di dân vào các thành phố lớn).
Cũng vì tỷ lệ “chọi” tăng cao, không ngạc nhiên khi hầu hết các cán bộ quản lý GD lẫn các giáo viên đều dự đoán điểm chuẩn đầu vào lớp 10 năm nay sẽ có nhiều biến động, nhất là tại các trường THPT có tên tuổi. Điều đáng ghi nhận là, để đảm bảo công bằng cho các thí sinh, đồng thời tuân thủ quy chế của Bộ GD&ĐT, một số địa phương đã tuyên bố không cộng điểm khuyến khích cho thí sinh đạt giải cao kỳ thi HS giỏi khi tuyển sinh lớp 10.
Nhiều điểm mới ghi nhận từ Hà Nội
Với 94.347 thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm nay, Hà Nội đã bố trí 185 điểm thi và hơn 3.970 phòng thi, tăng 32 điểm, hơn 470 phòng. Có 10.030 giáo viên THCS và THPT được huy động tham gia trông thi. Công tác trông thi được tổ chức theo nguyên tắc, 1/2 người coi thi là giáo viên các trường THPT và không dạy 2 môn thi là Toán và Ngữ văn.
Để đảm bảo đội ngũ, Sở GD&ĐT đã huy động hết giáo viên THPT tham gia coi thi, trừ người dạy 2 môn Toán, Ngữ văn - hai môn thi. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, vì giáo viên biên chế không tăng, phòng thi tăng, Sở đã phải huy động tất cả giáo viên của các đơn vị.
Trong điều kiện phải huy động hết nhân sự, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường không cho giáo viên nghỉ phép trong những ngày tổ chức thi, nếu lý do không đặc biệt. Bên cạnh đó là các công tác bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho đề thi, các điểm thi cũng được UBND thành phố, Sở GD&ĐT đặt ra với yêu cầu cao, cho thấy tính nghiêm túc của kỳ thi quan trọng này.
Một điểm rất khác so với thường thấy ở mọi kỳ thi là tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các điểm thi trong ngày làm thủ tục 6/6, sau khi thí sinh đăng ký xong, cán bộ coi thi sẽ thu lại thẻ dự thi của các em để đề phòng trường hợp thí sinh quên thẻ trong các buổi thi (vốn rất thường gặp ở mọi kỳ thi, gây tâm lý không tốt cho HS, thậm chí có nguy cơ vào chậm do phải quay về nhà lấy).
Đến đầu các buổi thi, những thẻ dự thi sẽ chuyển đến từng phòng để cán bộ coi thi đối chiếu thực tế với thí sinh. Bên cạnh đó, lễ khai mạc cuộc thi cũng không tổ chức ngoài trời, tại các điểm thi, mà thực hiện ngay trong mỗi phòng thi, nhằm tránh sự căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe HS. Đó là những cách làm nhân văn đáng ghi nhận của ngành GD Hà Nội, góp phần ổn định tâm lý thí sinh.
Quyết liệt và nghiêm khắc với mọi hành vi gian lận
Theo đúng lịch, sáng 7/6, tất cả các thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm 2018 của Hà Nội đã bước vào môn thi đầu tiên: Môn Ngữ văn. Chiều cùng ngày, các em thi môn Toán, đều với thời gian 120 phút mỗi môn. Chia sẻ với báo chí sáng cùng ngày, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết Sở đã thành lập 15 đoàn thanh tra lưu động đến các điểm thi với số lượng lên tới gần 400 thanh tra.
Đoàn thanh tra được triển khai đến các điểm thi để thanh tra việc tổ chức, lãnh đạo các điểm thi, việc coi thi của cán bộ coi thi.... Ngoài đoàn thanh tra lưu động, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội còn có gần 400 thanh tra cắm chốt thực hiện nhiệm vụ.
Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, trước đó vào tối 6/6, 5 đoàn kiểm tra an ninh cũng đã đến kiểm tra các điểm thi, nhằm đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho thí sinh bước vào kỳ thi.
Có một điểm đáng chú ý là trong môn thi Ngữ văn buổi sáng, sau khi tính giờ làm bài khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Ngữ văn. Chiều cùng ngày, trong môn thi Toán, sự việc tương tự cũng xuất hiện. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với công an thành phố Hà Nội xác minh hiện tượng trên. Trao đổi nhanh với báo chí, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: Đây là hiện tượng để lọt đề thi, việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các thí sinh. Đồng thời, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các điểm thi tăng cường công tác an ninh trong các buổi thi tiếp theo, đặc biệt việc kiểm soát các thiết bị công nghệ kỹ thuật cao.
Được biết trong ngày 8/6, một bộ phận thí sinh Hà Nội tiếp tục thi môn chuyên. “Sở GD&ĐT tiếp tục quán triệt mạnh hơn nữa công tác an toàn trong kỳ thi” - ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.