Thị trường tiền mã hóa: Chính sách cần phù hợp với xu thế thời đại

GD&TĐ - Theo Bộ Tài chính, thị trường tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng, mang lại cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hoạt động phát hành và giao dịch tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng cả về khối lượng phát hành, giá trị giao dịch và mức độ phức tạp. Ảnh minh họa: INT
Hoạt động phát hành và giao dịch tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng cả về khối lượng phát hành, giá trị giao dịch và mức độ phức tạp. Ảnh minh họa: INT

Việc triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox) sẽ giúp các cơ quan quản lý theo dõi, đánh giá thực tiễn hoạt động của thị trường trước khi áp dụng chính thức.

Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cùng quản lý

Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.

Trong đó đề xuất cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động thị trường, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro về an ninh tài chính, bảo đảm sự ổn định cho thị trường tài chính - tiền tệ.

Theo Bộ Tài chính, thị trường tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng, mang lại cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox) sẽ giúp các cơ quan quản lý theo dõi, đánh giá thực tiễn hoạt động của thị trường trước khi áp dụng chính thức. Đây cũng là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia đang áp dụng nhằm tạo sự cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cơ chế sandbox sẽ giúp Việt Nam tận dụng tiềm năng của tài sản mã hóa để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế số, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ như rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Theo ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hoạt động phát hành và giao dịch tài sản số đang phát triển nhanh chóng cả về khối lượng phát hành, giá trị giao dịch và mức độ phức tạp.

Sự phổ biến rộng rãi của tài sản số trên toàn cầu đặt ra cơ hội, thách thức và rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính và sự phát triển của các nền kinh tế. Thực tế, cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh và quản lý thị trường này.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, việc triển khai thí điểm thị trường tài sản số là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam nhằm tạo môi trường pháp lý linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với sự đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ quản lý, giám sát của Nhà nước. Cơ chế mới cũng hỗ trợ huy động vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo ông Hải, thị trường tài sản số đã phát triển không ngừng, ngày càng đa dạng và phức tạp, thu hút lượng lớn người tham gia, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và thị trường tài chính, thương mại, an ninh của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, việc triển khai thí điểm cho phép các cơ quan quản lý có thể nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và điều kiện triển khai thực tiễn, giảm thiểu tối đa các hành vi bất hợp pháp từ đó bảo vệ nhà đầu tư nhằm tạo tiền đề phát triển thị trường tài chính minh bạch, an toàn, bền vững.

Tạo minh bạch thị trường đầu tư

Về chính sách thuế đối với giao dịch tài sản số, nhằm đảm bảo nguồn thu mà không kìm hãm thị trường, đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, hệ thống pháp luật về thuế hiện hành đã có quy định mang tính bao quát, đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được mua bán, tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ chịu các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản số vẫn chưa có quy định rõ việc xác định và phân loại các tài sản số cũng như hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi các loại tài sản này.

Theo đó, trường hợp pháp luật chuyên ngành về tài sản số xác định rõ được bản chất, đồng thời cho phép tài sản số được kinh doanh, mua bán như là một loại tài sản thì sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định của pháp luật về thuế.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động phát hành và giao dịch tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng cả về khối lượng phát hành, giá trị giao dịch và mức độ phức tạp. Sự phổ biến rộng rãi của tài sản mã hóa trên toàn cầu đặt ra cơ hội, thách thức và rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính và sự phát triển của các nền kinh tế. Các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia đang nỗ lực xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh và quản lý thị trường này.

Do đó, việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam nhằm tạo môi trường pháp lý linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với sự đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ quản lý, giám sát của Nhà nước, từ đó hỗ trợ huy động vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ với báo chí, TS Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam dẫn số liệu thống kê của một số tổ chức cho thấy dòng tài sản số vào Việt Nam trong năm 2023 đạt 105 - 120 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 1/4 GDP của Việt Nam.

Ông Tuấn đánh giá, tài sản số là một trong những thành phần quan trọng của kinh tế số; là cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm về tài sản số trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam nhận định, đây là lĩnh vực mới với nhiều rủi ro do tài sản số và tiền mã hóa có biên độ biến động lớn và nhanh, khác biệt so với thị trường chứng khoán.

Theo ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, không phải tất cả các sản phẩm tài sản mã hóa trên thị trường đều có lợi. Nếu không hiểu và tiếp cận với những sản phẩm tốt, sẽ rất dễ bị các sàn giao dịch nước ngoài lôi kéo vào các sản phẩm mang tính cờ bạc cao, như các sản phẩm future (hợp đồng tương lai). Khi đó, nếu thua lỗ, người dân không chỉ mất tiền, mà còn mất đi cơ hội đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vĩ Hào sẽ trở lại thi đấu trong hơn một tháng tới.

Tin vui từ sao trẻ tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Tiền đạo Bùi Vĩ Hào có thể sớm trở lại thi đấu trong giai đoạn tới và kịp dự lượt trận thứ hai vòng loại cuối Asian Cup 2027.