Thế nhưng thực tế thị trường vẫn chưa được như kỳ vọng. Năm 2017, với các nhà làm sách Việt Nam, những trở ngại phía trước còn quá lớn.
Không còn sức nóng
Hiện nay, cả nước có 7 đơn vị tham gia thị trường sách điện tử có bản quyền như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố, Tiki, Vinabook, Công ty Sách Phương Nam... Sách điện tử có nhiều ưu thế khi giá chỉ bằng khoảng 15 - 30% sách giấy, đọc được trên nhiều phương tiện, dễ dàng truy cập, cập nhật nhiều sách mới...
Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ebook vẫn chưa thực sự quyết liệt. Chưa có doanh nghiệp nào thật sự vượt trội về nguồn lực để có thể đầu tư mạnh, tạo ra cú hích vào thị trường.
Thực tế trong hoạt động xuất bản sách ở thị trường Việt Nam, xu hướng chủ đạo vẫn là sách in. Với ebook, cả người dùng lẫn nhà xuất bản đều còn ngần ngại. Nguyên nhân cũng bởi ebook chưa được xem là một hàng hóa để kinh doanh thực sự.
Đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam cho biết, kinh doanh sách điện tử có bản quyền tại Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn vì đòi hỏi kinh phí đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là đầu tư vào kỹ thuật – công nghệ và đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao.
Hiện nay, sách điện tử không bản quyền (ebook lậu) tràn lan trên mạng. Những trang web cho đọc sách này phát triển ở muôn hình vạn trạng và dưới nhiều hình thức, cho đọc miễn phí cũng có mà bán với một mức phí tượng trưng hay đọc trực tuyến, cho tải file về máy tính, định dạng PFD, bản scan… đều có.
Hình thức chia sẻ tràn lan này không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh sách điện tử có bản quyền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà xuất bản và phát hành sách điện tử còn dè dặt và chỉ đồng ý cho khai thác tác quyền những tác phẩm cũ, không còn sức nóng trên thị trường.
Nhiều thách thức
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2016 thị trường sách điện tử không có gì đột biến so với năm 2015. Vậy năm 2017 thị trường sách điện tử liệu có tiến triển hơn? Làm thế nào để xuất bản và phát hành sách điện tử một cách hiệu quả trong thời gian tới là câu hỏi dành cho không phải bất cứ đơn vị, cá nhân làm sách nào.
Ông Đồng Phước Vinh, đại diện cho Ybook của NXB Trẻ cho rằng thách thức lớn nhất với sách điện tử hiện nay là tình trạng sách không có bản quyền tràn ngập trên mạng, hầu như không có sự kiểm soát.
Theo quy định của pháp luật, việc xuất bản sách, tài liệu phải qua nhà xuất bản. Đối với sách in thì việc kiểm soát vấn đề này đã khó, với sách điện tử lại càng khó khăn. Một thực tế, tình trạng sách lậu tràn lan trên mạng Internet ở nước ta đã làm đau đầu và thiệt hại không ít cho tác giả và các nhà xuất bản.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự lỏng lẻo của luật cùng với thói quen sử dụng sách không có bản quyền trên Internet của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đang hạn chế sự phát triển của thị trường sách điện tử trong nước.
Thiết nghĩ, duy trì và mở rộng thị trường sách điện tử là xu thế không thể thay đổi trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Vấn đề là người trong cuộc cần nghiêm túc phân tích tình hình, thay đổi tư duy để đưa ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ các rào cản trước mắt.