Thị trường đất hiếm toàn cầu sẽ thay đổi?

Thị trường đất hiếm toàn cầu sẽ thay đổi?

(GD&TĐ) - Tạp chí khoa học Anh Nature Geoscience cho biết, một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản do giáo sư địa chất Yasuhiro Kato thuộc Đại học Tokyo, lãnh đạo, đã phát hiện ra một trữ lượng đất hiếm cực lớn nằm ở độ sâu 3.500-6.000m dưới mặt biển, tại 78 vị trí khác nhau trong một khu vực rộng 8,8 triệu km2, gồm đảo Hawaii và 2,4 km2 xung quanh Tahiti, với trữ lượng 80-100 tỉ tấn.

Thay đổi cục diện đất hiếm toàn cầu

Bùn biển có nồng độ đất hiếm cao tập trung ở mạn đông nam và giữa Thái Bình Dương. Bùn biển tại những nơi này có nồng độ các thành phần kim loại của đất hiếm (như Neodym) rất cao. Theo ước tính, chỉ cần khai thác 5 km2 mỏ bùn biển cũng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đất hiếm toàn thế giới mỗi năm. Tờ Libération tin rằng, việc khám phá đất hiếm ở Thái Bình Dương sẽ sớm phá vỡ độc quyền của TQ. Còn RFI xem phát hiện mới sẽ làm thay đổi thị trường đất hiếm thế giới. Ông George Pichon, đứng đầu một tập đoàn chuyên kinh doanh đất hiếm nhận định: “Tuy việc khai thác khám phá này còn xa vời, nhưng một điều chắc chắn là phát hiện mới sẽ làm thay đổi cục diện hiện nay”.

Đất hiếm, với 17 kim loại hiếm có bên trong, là một trong những thành phần quan trọng trong qui trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trước khi có phát hiện của Nhật Bản, trữ lượng đất hiếm toàn cầu hiện chỉ khoảng 110 triệu tấn, chủ yếu là ở TQ, Nga, Úc, một số nước thuộc Liên Xô cũ và Mỹ. Dudley Kingsnorth, Giám đốc điều hành công ty tư vấn về khoáng sản công nghiệp của Úc (IMCOA) dự báo, nhu cầu đất hiếm sẽ tăng gấp đôi trong mười năm tới, từ 124.000 tấn năm 2010 lên 250.000 tấn năm 2020; trong đó các công ty Nhật chiếm phân nửa.

Các thành phần đất hiếm
Các thành phần đất hiếm

Quá trình chi phối nguồn cung đất hiếm của TQ

Năm 2010, giá đất hiếm đã lên tới mức kỷ lục khi TQ, nước chiếm hơn 30% trữ lượng đất hiếm toàn thế giới và 97% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu (120.000 tấn/năm), bắt đầu hạn chế xuất khẩu. Đầu năm 2011, TQ vừa hạ thấp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vừa tăng thuế, theo đó, từ 1.4.2011, thuế xuất khẩu đất hiếm tăng từ 15% lên 25%; thuế tài nguyên tăng từ 0,5 USD lên 8 USD/ký. Chính sách hạn chế xuất khẩu của TQ khiến nguồn cung đất hiếm trên thị trường toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá cả lên cao, và thế giới phải phụ thuộc nhiều hơn vào TQ. Mới đây, trả lời phỏng vấn tờ China Daily, ông Wang Caifeng, cựu quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho rằng, 2 năm tới Trung Quốc sẽ chỉ cung cấp 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu, thay vì 95% như hiện nay. Mỹ và Úc có thể sẽ tăng sản lượng khai thác để bù vào. Hai nước này giảm khai thác đất hiếm, một phần vì phí tổn khai thác quá cao và do e ngại tác hại xấu đến môi trường, một phần dựa vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ đến từ TQ. Tính toán này đã tạo điều kiện cho TQ trở thành gần như độc quyền khai thác đất hiếm.

Dudley Kingsnorth, Giám đốc điều hành công ty tư vấn về khoáng sản công nghiệp của Úc dự báo; “Trong ba năm tới, sản lượng đất hiếm ngoài TQ có thể tăng 10 lần, từ mức 6.000 tấn/năm hiện nay lên khoảng 40.000 - 60.000 tấn/năm và đến năm 2020, vị thế độc quyền của TQ trong lĩnh vực đất hiếm sẽ bị xóa bỏ, khi thế giới có thể tự túc được nguồn nguyên liệu quý giá này với sản lượng đạt mức 180.000 tấn/năm.

Phát hiện là một chuyện, còn khai thác là một chuyện

Hiện có nhiều công ty quan tâm đến khai thác đất hiếm ở Thái Bình Dương. Chính phủ Malaysia đang xem xét đơn xin phép một dự án khai thác đất hiếm do Úc tài trợ. Theo các nhà phân tích thì mỏ đất hiếm khổng lồ vừa tìm thấy hầu như không thể khai thác vì chi phí cực cao. Nhật Bản, nước đang bị động về nguồn cung đất hiếm sau hành động giảm cung cấp một thời gian của TQ mới đây sẽ phải giải bài toán về kinh phí và kỹ thuật trước khi bắt tay vào khai thác. Các công ty khai khoáng như Molycorp, Lynas và Avalon Rare Metals ước tính, việc khai thác đất hiếm dưới biển sâu sẽ phải mất hàng chục năm và tiêu tốn hàng tỷ USD, trước khi đưa được mẻ bùn có giá trị thương mại đầu tiên lên mặt biển. Có người còn khẳng định “việc khai thác kim loại hiếm từ bùn biển là không khả thi, ít ra là với khả năng công nghệ hiện có của con người”. Byron Capital, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Jon Hykawy, cũng cho rằng: “Giá trị thực của đống tài sản khổng lồ dưới nước vẫn chỉ là trên giấy khi cơ hội khai thác chúng còn rất mơ hồ”. Ngoài ra, hơn phân nửa lượng bùn chứa đất hiếm dưới đáy biển nằm tại các vùng biển quốc tế, nếu xin phép tổ chức quản lý đáy biển quốc tế thì có thể có quyền khai thác, nhưng do từ trước đến nay chưa có tiền lệ khai thác tài nguyên như vậy, nên cần có thời gian hình thành các thỏa thuận mang tính quốc tế. Một khả năng nữa là do lo ngại mất thị trường, TQ sẽ phải giảm giá đất hiếm, và nếu giá cả giảm thì việc khai thác lòng đại dương sẽ không mang lợi gì nhiều.

Khai thác đất hiếm
Khai thác đất hiếm

Bài toán tìm lối ra của Nhật Bản

Ngoài TQ, Nhật Bản là nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới 17 kim loại của đất hiếm. Nhật Bản nhập khẩu đến 90% nhu cầu đất hiếm từ TQ. Nhưng sau động đất và sóng thần, nhu cầu đất hiếm tại Nhật sẽ giảm 30% trong năm 2011, một phần vì các công ty giảm sản xuất và giá đất hiếm quá cao. Nhà phân tích thị trường kim loại hiếm Luisa Moreno thuộc công ty Jacob Securities nhận định: “Rõ ràng, trước áp lực lệ thuộc về nguồn cung, người Nhật đang tìm mọi cách để lựa chọn nguồn thay thế. Ngoài việc đầu tư vào các công trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác đất hiếm trên thế giới, các nhà khoa học Nhật cũng đang thử nghiệm việc tái chế đất hiếm. Nhật muốn độc lập về nguồn cung các kim loại tối quan trọng của nền kinh tế. Họ đang đặt mục tiêu tìm kiếm và phát hiện đất hiếm dưới đáy biển trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, để có thể sớm khai thác và giảm phụ thuộc vào nguồn đất hiếm của TQ. Theo AFP, hai công ty của Nhật là Toyota Tsusho và Sojitz đang hợp tác với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) để chuẩn bị khai thác các mỏ đất hiếm. Các dự án của Sumitomo và Toyota Tsusho-Sojitz dự kiến khai thác ít nhất 7.000 tấn đất hiếm mỗi năm, tương đương với 20% nhu cầu của Nhật Bản. Vốn đầu tư ban đầu dành cho hai dự án này vào khoảng 200 triệu USD.

Các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định việc khai thác đất hiếm dưới biển là hoàn toàn khả thi, vì đơn giản chỉ là hút bùn từ đáy đại dương, sau đó chiết xuất đất hiếm bằng acid, dù họ đồng ý là khá khó khăn và vô cùng tốn kém. Nhóm nghiên cứu của Yasuhiro Kato cho rằng trong số các nguyên tố đất hiếm ở đây thì trữ lượng nguyên tố giàu bùn Rey là một nguồn tài nguyên đầy hứa hẹn cho tương lai.

Một vấn đề nữa Nhật phải vượt qua là ô nhiễm môi trường do khai thác đất hiếm. Hệ sinh thái ở vùng này của Thái Bình Dương được đánh giá là rất mảnh mai, nên vấn đề môi trường được các tổ chức bảo vệ tài nguyên quan tâm. Việc TQ hạn chế xuất khẩu đất hiếm thật ra cũng chính là để kiểm soát tốt hơn các chất thải gây ô nhiễm. Hàng trăm nhà máy nhỏ sản xuất đất hiếm ở thành phố Baotou, khu vực Nội Mông, cho tới nay vẫn đổ các chất thải này xuống Hoàng Hà một cách vô tội vạ, bởi vì chưa có những quy định chặt chẽ về việc này. 

Hồng Hải

(The Japan Times, CS MonitorScience)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ