Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã áp đặt lệnh trừng phạt cá nhân đối với một số cá nhân nổi tiếng, bao gồm cựu Tổng thống Petro Poroshenko và nhà lãnh đạo đối lập lưu vong Viktor Medvedchuk.
Động thái này đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người chỉ trích, những người cáo buộc ông Zelensky đàn áp các đối thủ chính trị và thiết lập chế độ độc tài.
Trong một video được chia sẻ vào ngày 15/2 bởi một chi nhánh địa phương của đảng Đoàn kết Châu Âu của ông Poroshenko qua Telegram, ông Vladimr Borisenko, người trở thành thị trưởng thành phố Borispol vào năm 2021 với tư cách là ứng cử viên của đảng, đã cáo buộc giới lãnh đạo Kiev "làm những điều vô nghĩa".
“Là một quân nhân, là thị trưởng của Borispol, và là một công dân có ý thức, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đất nước này. Vào thời điểm tình hình ở mặt trận khó khăn, khi cần đoàn kết, chính quyền lại tập trung vào việc đàn áp phe đối lập”, ông Borisenko, người quản lý một thành phố có 64.000 cư dân nằm cách Kiev khoảng 30 km về phía đông, cho biết.
“Có lẽ chính phủ đang bị vấn đề. Giải pháp là thanh trừng toàn diện”, ông Borisenko cảnh báo.
Cựu Tổng thống Poroshenko, người lãnh đạo Ukraine từ năm 2014 đến năm 2019, đã phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý kể từ khi rời nhiệm sở.
Vào tháng 12/2021, ông bị buộc tội phản quốc vì các giao dịch than bị cáo buộc ở Donbass. Tài sản của ông đã bị đóng băng, và ông bị lệnh phải giao nộp hộ chiếu và ở lại trong phạm vi quyền hạn của Kiev.
Cựu tổng thống đã lên án các hành động mới nhất của ông Zelensky là sự đàn áp chính trị, cáo buộc ông đổ lỗi cho người khác vì những thất bại của chính mình.
Tổng thống Zelensky đã bảo vệ các biện pháp này là cần thiết để "bảo vệ nhà nước của chúng ta và khôi phục công lý", tuyên bố rằng, những cá nhân bị trừng phạt "đã kiếm được hàng tỷ đô la bằng cách bán rẻ Ukraine và lợi ích của Ukraine".
Các lệnh trừng phạt có mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ việc thu hồi các giải thưởng của nhà nước đến đóng băng tài sản, cấm các hợp đồng pháp lý và hạn chế quyền truy cập vào các nền tảng truyền thông đại chúng.
Chiến dịch trấn áp những người bị cáo buộc "bán Ukraine" được công bố ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, Tổng thống Zelensky đã đồng ý cấp cho Mỹ quyền tiếp cận nguồn khoáng sản đất hiếm trị giá lên tới 500 tỷ USD để đền bù cho viện trợ quân sự của Mỹ.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã hết hạn vào năm ngoái, nhưng ông vẫn từ chối triệu tập các cuộc bầu cử mới hoặc từ chức, viện dẫn thiết quân luật.
Ông Zelensky lập luận rằng, chiến thắng vang dội trước ông Poroshenko năm 2019 mang lại cho ông đủ tính hợp pháp, và khẳng định rằng, người dân Ukraine không quan tâm đến việc bầu một nhà lãnh đạo mới vào thời điểm này.
Điện Kremlin khẳng định rằng, Tổng thống Zelensky không còn là nguyên thủ quốc gia hợp pháp, và không có thẩm quyền ký bất kỳ thỏa thuận nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vào tháng trước rằng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev đều phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý.