Thị trường bánh Trung Thu ở Hà Nội: Chiêu trò thổi giá nhờ mập mờ thương hiệu

GD&TĐ -Cơ quan chức năng Hà Nội liên tục phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.

Lực lượng chức năng phát hiện thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.
Lực lượng chức năng phát hiện thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.

Thổi giá, đánh tráo nguồn gốc

Ngày 30/8, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thông tin, vừa phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện tạm giữ hơn 7.000 chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.

Trước đó, cơ quan chức năng có nguồn tin về đường dây chuyển bánh kẹo từ biên giới phía Bắc về quận Bắc Từ Liêm với số lượng lớn. Đối tượng không trực tiếp tham gia giao dịch mà chỉ đạo từ xa, gửi chuyển phát nhanh. Công an quận Bắc Từ Liêm đã lên kế hoạch triệt phá.

Khoảng 13 giờ ngày 26/8, tổ công tác liên ngành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ Lô B6, khu tái định cư 3ha đường Đức Diễn (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), phát hiện hơn 7.000 bánh Trung thu in chữ nước ngoài. Thời điểm kiểm tra, đại diện lô hàng là Đặng Ngọc T (ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Cơ quan chức năng đã tạm giữ lô hàng, tiếp tục làm việc với chủ hàng và những người có liên quan. Qua vụ việc trên, Công an quận Bắc Từ Liêm cảnh báo, với đặc thù địa bàn có làng nghề sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh, dịp Tết Trung thu này đơn vị đã chủ động tăng cường công tác nắm tình hình.

Đồng thời, phối hợp cùng UBND quận Bắc Từ Liêm thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tương tự, Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội, cho biết, đơn vị phối hợp với các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ hàng nghìn chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc. Điển hình như chỉ trong ngày 26/8, lực lượng liên ngành đã phát hiện 2 vụ và thu giữ hơn 3.000 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Cụ thể, qua kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa tại khu vực thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 1.057 cái xúc xích, 354 cái bánh Trung thu, 20 hộp bánh Fares không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày 26/8, tại khu vực trước cửa số nhà 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), tổ công tác giữa Đội 4 Phòng Cảnh sát Môi trường và Đội Quản lý thị trường số 25 cũng đã phát hiện một xe ô tô đang dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa là bánh Trung thu có bao bì in chữ nước ngoài.

Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện có 351 hộp bánh Trung thu (2.808 cái bánh) trên bao bì in chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại “thủ phủ” bánh kẹo lậu xã La Phù, huyện Hoài Đức vào giữa tháng 8 vừa qua khi bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải, thôn Chùa Tổng, xã La Phù cơ quan chức năng bắt quả tang cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton.

Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng/chiếc, nhưng khi đến tay người tiêu dùng chiếc bánh có thể được “thổi giá” lên gấp 10 lần thậm chí 20 lần...

Chặn vòi “bạch tuộc”

Trung tá Nguyễn Thành Trung - Phó Đội trưởng Đội 4 (Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội) - cho biết, dịp Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng bánh Trung thu của nhân dân tăng cao.

Bởi vậy, nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh Trung thu và nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài trên thị trường tự do để về bán kiếm lời. Những thực phẩm trên không được kiểm soát chất lượng, nên có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong dịp này, lực lượng Cảnh sát Môi trường thuộc Công an TP Hà Nội sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những đối tượng vi phạm. Qua đó, góp phần đảm bảo quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho nhân dân đón Tết Trung thu an toàn.

Lực lượng Cảnh sát Môi trường cũng khuyến cáo nhân dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình bằng việc sử dụng những hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm soát và công bố chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, người dân không nên tìm mua những hàng hóa không nhãn mác hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, nếu người dân phát hiện thấy đối tượng nào sản xuất, kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm thì kịp thời báo cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên), ông Phan Cao Lạc, cho biết, cùng với công tác kiểm tra, địa phương cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Với các nhà làm bánh truyền thống sẵn sàng công khai quy trình sản xuất để người dân được biết.

Công an TP Hà Nội cảnh báo, do nhu cầu của người dân dịp Tết Trung thu tăng cao, nên nhiều đối tượng lợi dụng để nhập lậu bánh Trung thu không rõ nguồn gốc. Trước tình hình trên, đơn vị đã tăng cường tuần tra địa bàn, đặc biệt vào khung giờ mà các đối tượng thường lợi dụng để tập kết, vận chuyển bánh Trung thu không rõ nguồn gốc để đấu tranh, triệt phá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.