Bánh nướng không rõ nguồn gốc ồ ạt đánh chiếm thị trường dịp cận tết Trung thu

GD&TĐ - Tết Trung thu đang đến gần, đây là thời điểm các đối tượng vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng để buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lê Ngọc Lan cùng tang vật của vụ việc tại cơ quan công an.
Lê Ngọc Lan cùng tang vật của vụ việc tại cơ quan công an.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam và Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh các sản phẩm bánh dẻo, bánh nướng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, ngày 18/8, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Nam cho biết đơn vị này vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường Hà Nam phát hiện và thu giữ hơn 1.000 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Môi trường, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam phát hiện Lê Ngọc Lan (SN 1989, trú ở xã La Sơn, huyện Bình Lục) đang kinh doanh buôn bán hơn 1.000 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Khu công nghiệp Châu Sơn (TP. Phủ Lý).

Tại thời điểm kiểm tra, Lê Ngọc Lan không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến toàn bộ số hàng trên. Bước đầu Lan khai nhận, đã mua số bánh trên qua mạng xã hội với giá 3.000 đồng/chiếc để bán kiếm lời.

Đây là vụ thứ 2 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh thu giữ số lượng bánh trung thu không rõ nguồn gốc với số lượng lớn.

Trước đó, khoảng 15h40’ ngày 15/8, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam phát hiện Phạm Thị Phụng (SN 1994, trú tại tổ 5, phường Thanh Tuyền, TP. Phủ Lý, Hà Nam) đang kinh doanh buôn bán gần 1.600 sản phẩm bánh trung thu, bánh nướng các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Khu công nghiệp Châu Sơn (TP. Phủ Lý).

Phạm Thị Phụng cùng số bánh không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng thu giữ.

Phạm Thị Phụng cùng số bánh không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng thu giữ.

Tại thời điểm kiểm tra, Phạm Thị Phụng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến toàn bộ số hàng hóa trên. Bước đầu, Phạm Thị Phụng khai nhận đã thu mua số bánh trên qua mạng xã hội với giá 3.000 đồng/chiếc về để bán kiếm lời.

Hiện Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Nam đã bàn giao các vụ việc trên cho Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam để xử lý theo quy định.

Tại tỉnh Bắc Giang, vào hồi 7h10’ ngày 16/8, Tổ công tác của Công an TP. Bắc Giang đã tiến hành kiểm soát xe ô tô nhãn hiệu Toyota Vios mang BKS: 98A-466.73 do Vũ Văn Trường (SN 1988, trú tại tổ dân phố Đồng 1, thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) điều khiển chở Nguyễn Hồng Phúc (địa chỉ tại tổ dân phố Đồng 1, thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cùng 5.075 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất đi tiêu thụ đang lưu thông trên đường Võ Nguyên Giáp (thuộc địa bàn xã Song Khê, TP. Bắc Giang).

Sản phẩm bánh không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện, thu giữ.

Sản phẩm bánh không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện, thu giữ.

Quá trình kiểm tra, Nguyễn Hồng Phúc nhận là chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa. Phúc thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ. Tổng trị giá số hàng hóa là hơn 19 triệu đồng.

Cùng ngày, Công an TP. Bắc Giang đã bàn giao vụ việc trên cho Đội Quản lý thị trường số 3 Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với Nguyễn Hồng Phúc về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất với mức phạt 12 triệu đồng đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ