Thị trấn đón học sinh lần đầu sau thảm họa hạt nhân

GD&TĐ - Ngày 10/4, thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, đón 26 học sinh đầu tiên kể từ cuộc di tản sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân cách đây 12 năm.

Người dân thị trấn Okuma chào đón học sinh trở về quê nhà học tập.
Người dân thị trấn Okuma chào đón học sinh trở về quê nhà học tập.

Trong tiết trời Xuân ấm áp, 26 học sinh cùng khoảng 200 phụ huynh và người dân thị trấn đã tham dự lễ khai giảng năm học mới trước thềm khai trương cơ sở giáo dục Manabiya Yumenomori.

Ngôi trường đào tạo cho học sinh hết bậc THCS. Hầu hết học sinh hiện nay là trẻ sinh ra và sống ở nơi di tản sau động đất mạnh 9 độ richter ở phía Đông Nhật Bản ngày 11/3/2011.

Thị trấn Okuma là nơi đặt Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Sau thảm họa động đất, hệ thống làm mát của nhà máy bị hư hại, làm phát tán bức xạ và gây nên một trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới.

Vào thời điểm xảy ra thảm họa, khoảng 1.600 học sinh trong thị trấn đang theo học các lớp từ nhà trẻ đến THCS. Trung tâm chăm sóc trẻ em của thị trấn cùng 5 trường mẫu giáo, tiểu học và THCS phải sơ tán đến thành phố Aizuwakamatsu, cách đó khoảng 100km.

Việc xây dựng cơ sở giáo dục mới, nằm trong khu vực nơi lệnh sơ tán được dỡ bỏ vào tháng 4/2019, đang được tiến hành. Dự kiến, trường sẽ đi vào hoạt động từ cuối tháng 8. Trong thời gian này, học sinh sẽ học tập tại các công trình công cộng khác như tòa thị chính.

Ở nơi ở mới, họ thuê các công trình bỏ hoang làm nơi học tập. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em đã theo gia đình đã rời đi, chỉ còn lại 2 trẻ mẫu giáo và 7 học sinh ở lại.

Nonoka Ishii, 14 tuổi, đã theo học tại trường mẫu giáo ở nơi di tản khi mới lên ba. Trước thảm họa, ngôi nhà của gia đình em nằm cách lò phản ứng hạt nhân bị hư hại 5km. Vì còn quá nhỏ khi sự kiện xảy ra, Nonoka Ishii không còn ký ức về quê nhà.

Nhưng em đã được nghe từ ông bà, cha mẹ đến các anh chị em kể về cuộc sống nhiều thế hệ của gia đình tại nơi đây. Cô bé biết những trái lê mà ông em trồng là ngon nhất nhì trong thị trấn còn các anh chị của em từng là những thành viên năng nổ trong đội bóng rổ.

Năm lớp 3, Nonoka đã tìm hiểu về những đặc điểm nổi tiếng ở Okuma để giới thiệu cho các bạn cùng lớp. Em tự hào khẳng định: “Okuma là quê hương của tôi”.

Tháng 4/2019, lệnh sơ tán khỏi thị trấn Okuma đã được dỡ bỏ một phần. Bố mẹ Nonoka đưa em về thăm nhà lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách. Những hình ảnh đen trắng mà em tìm hiểu qua sách vở hiện lên dưới những gam màu rực rỡ.

Nhà cũ của gia đình Nonoka nằm trong khu vực được sử dụng làm cơ sở lưu trữ đất bị ô nhiễm và các vật phẩm khử nhiễm của tỉnh. Do đó, từ 2/4, gia đình em chuyển đến khu nhà công cộng của thị trấn.

Tạm biệt cuộc sống ở Aizuwakamatsu, Nonoka có phần bồi hồi, lưu luyến những kỷ niệm ở nơi công viên em chơi đùa hay những người hàng xóm thân thiện. “Em cảm thấy như mình có hai quê hương”, Nonoka bộc bạch.

Tại buổi lễ khai giảng ngày 10/4, đứng trên sân khấu, Nonoka chia sẻ: “Em sẽ xây dựng tương lai của mình và trở thành một ‘đứa trẻ Okuma’ tuyệt vời trong mắt mọi người”.

Theo Mainichi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.