Thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định: Thầy trò yên tâm dạy - học

GD&TĐ - Việc giữ ổn định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 như năm 2020 nhận được các ý kiến đồng thuận từ địa phương cũng như thầy trò các trường phổ thông.

Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thể hiện rõ mục tiêu đổi mới. Ảnh minh họa
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thể hiện rõ mục tiêu đổi mới. Ảnh minh họa

Phương án thi nhẹ nhàng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Giai đoạn  2021 - 2025, khi chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Đặc biệt, năm 2021 tới, kỳ thi sẽ được tổ chức như năm 2020 cả về phương thức tổ chức thi, công tác đề thi, chấm thi và công bố kết quả thi.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu phương án tổ chức thi như năm 2020 được giữ ổn định trong giai đoạn 2021 – 2025”,  ông Trần Tuấn Khanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nêu quan điểm và cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020  được địa phương đón nhận, tổ chức và đạt được mục tiêu đề ra; tạo được sự đồng thuận, niềm tin trong phụ huynh, học sinh và rộng hơn là cộng đồng xã hội.

“Phương án thi năm 2020 có nhiều ưu điểm: Giảm áp lực cho người học; tiết kiệm ngân sách Nhà nước; kết quả kỳ thi tạo được niềm tin để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng xét tuyển. Với các địa phương, sau một năm tổ chức đã có kinh nghiệm. Riêng với An Giang, việc tổ chức các kỳ thi đã có nền nếp; dù với bất kỳ phương án thi nào, địa phương cũng sẽ tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế” – ông Trần Tuấn Khanh khẳng định.

Thí sinh Hà Nội trao đổi kết quả bài thi.
Thí sinh Hà Nội trao đổi kết quả bài thi.

Tại Phú Thọ, thông tin từ ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, dư luận xã hội, các nhà trường, thầy cô, học sinh và phụ huynh đều đồng tình với chủ trương giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Qua thực tiễn tổ chức thi tốt nghiệp THPT, có thể thấy các địa phương nói chung, Phú Thọ nói riêng đã tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Cách thức tổ chức thi phù hợp, nhẹ nhàng hơn nhưng chất lượng vẫn bảo đảm. Để tổ chức tốt hơn kỳ thi năm 2021, mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án chính thức để các địa phương có thể triển khai thực hiện” – ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Ở góc độ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, cũng từng là giáo viên nhiều năm trực tiếp giảng dạy, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ), cho biết:  Bộ GD&ĐT duy trì ổn định phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT như năm 2020 là phù hợp. Việc này đặc biệt có lợi với người học, vì hơn ai hết, các em rất cần một tâm lý ổn định để yên tâm học tập tốt. Phương án thi năm 2020 cũng giảm tải cho địa phương, nhà trường, đồng thời bảo đảm được yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, có kết quả tin cậy để các trường ĐH sử dụng tuyển sinh.

hí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
hí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Thi trên máy tính là xu thế, nhưng cần lộ trình

Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến bên cạnh tổ chức thi trên giấy cũng đồng thời triển khai thí điểm để mở rộng dần thi trên máy tính. Với hình thức này, thí sinh có thể dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cơ sở giáo dục đại học, nếu có nhu cầu, cũng có thể tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh. Cho biết lý do ủng hộ điều này, ông Trần Tuấn Khanh nêu: Đây là phương án phù hợp với xu thế của thế giới, thí sinh cũng được tăng thêm sự lựa chọn và cơ hội. Vấn đề còn lại là khâu chuẩn bị về ngân hàng đề thi, cơ sở vật chất (máy tính, đường truyền đủ mạnh) và hướng dẫn về tiêu chuẩn cũng như quy trình tổ chức thi trên máy tính chặt chẽ để địa phương có thể triển khai thực hiện.

“Với An Giang, sau khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể, nếu bảo đảm được các điều kiện, địa phương cũng sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính; vì địa phương đã đưa hình thức này thí điểm tại một số trường phổ thông. Đặc biệt, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu được đầu tư khoảng gần 200 máy và việc ứng dụng cho học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính được chỉ đạo triển khai thực hiện khá bài bản” – ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Là địa phương còn nhiều khó khăn, với việc tổ chức thi trên máy tính tại Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT có kế hoạch và hướng dẫn, địa phương sẽ phải đánh giá thực trạng để xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, nhưng trước mắt có thể chưa triển khai ngay được. “Ngành Giáo dục Phú Thọ đã tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, giáo viên về chủ trương thí điểm tổ chức thi trên máy tính. Nhưng để triển khai hình thức này, chúng tôi cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, cũng như kỹ năng của thầy cô, học sinh phải đáp ứng được” – ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Thực hiện đổi mới thi cử theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, những năm qua, việc tổ chức thi THPT quốc gia và năm 2020 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thành công. Từ quy định về bài thi, thời gian thi, đặc biệt giao về cho địa phương như năm 2020 đều phù hợp. Nếu đã tốt rồi, việc giữ ổn định kỳ thi như năm 2020 trong giai đoạn 2021 - 2025 là hợp lý, cần thiết. Cách làm này giúp Bộ, đến địa phương, nhà trường, đến cha mẹ học sinh, học sinh đều nhẹ nhàng, đồng thời đỡ tốn kém. Tuy  nhiên, tôi cho rằng, việc ra đề thi vẫn phải là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Việc làm phong phú ngân hàng đề thi cần tiếp tục được tăng cường. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.