Thi thử, chất lượng thật

GD&TĐ - Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch từ đầu năm học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Ngoài công tác tư vấn lựa chọn bài thi tổ hợp, tăng tiết, tăng buổi các môn thi tốt nghiệp, khảo sát và thi thử được các trường coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi. Bởi đây là một mũi tên trúng nhiều đích.

Với học sinh, thi thử giúp củng cố kiến thức, rèn luyện tâm lý, kỹ năng, kỹ thuật làm bài, tiếp tục làm quen với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT; đánh giá được năng lực qua kết quả thi để có định hướng ôn tập hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo.

Với nhà trường, giáo viên, ngoài trải nghiệm như một đợt tập dượt trước kỳ thi chính thức, kết quả thi sẽ giúp đánh giá chất lượng thực tế, từ đó điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập; phân loại học sinh để dạy học phù hợp. Đây cũng là dịp để những trường là Điểm thi tốt nghiệp THPT chuẩn bị tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất khi bước vào kỳ thi chính thức… Một số trường còn tổ chức thi thử cho cả học sinh lớp 10, lớp 11 và coi kết quả này là một căn cứ để xếp lớp trong năm học 2024 - 2025…

Nhiều năm nay, thi thử không phải là hoạt động tự phát của nhà trường mà được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh và thực hiện bài bản, nghiêm túc như thi thật, nhằm có được kết quả khách quan, trung thực nhất. Thường sở GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch, tổ chức ra đề thi, phân công nhiệm vụ cho các nhà trường và đơn vị liên quan để tổ chức thi. Ngoài tham gia đợt thi do sở tổ chức, tùy tình hình thực tế, các trường có thể tổ chức thêm một hoặc một số đợt thi thử khác.

Giai đoạn này (đầu học kỳ II năm học 2023 - 2024), một số địa phương đã công bố kế hoạch tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT. Hà Nội dự kiến tổ chức khảo sát vào tháng 3 hoặc tháng 4 cho không chỉ học sinh lớp 12 mà mở rộng cả với học sinh lớp 11. Bình Phước sẽ tổ chức 2 lần thi thử tốt nghiệp THPT: Lần 1 từ 5 - 6/4 và lần 2 từ 24 - 25/5… Nhiều trường THPT cũng chủ động xây dựng kế hoạch thi thử, triển khai trong năm 2024.

Đều đặn được tổ chức nhiều năm qua với cách thức ngày càng quy củ, chuyên nghiệp cho thấy nhận thức của nhà trường, ngành Giáo dục địa phương về vai trò của kỳ thi thử. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường lạm dụng kỳ thi này, tổ chức quá nhiều đợt, các đợt gần nhau, gối lên nhau. Giai đoạn cuối cấp, ngoài bảo đảm các bài kiểm tra định kỳ như quy định, nhiều học sinh còn lo thi chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học…

Việc thêm một số đợt thi thử dễ khiến các em quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập. Bên cạnh đó, kinh nghiệm cho thấy, trước mỗi đợt thi cần sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là công tác ra đề. Đề thi không chuẩn khó có thể cho ra kết quả thi đánh giá đúng năng lực người học. Sau mỗi đợt thi lại cần một khoảng thời gian đủ dài để giáo viên, học sinh rút kinh nghiệm và thấy được kết quả từ việc điều chỉnh công tác ôn tập.

Như vậy, tổ chức thi thử nên coi trọng chất lượng hơn là số lượng. Chỉ khi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, chính xác, tạo động lực thay vì tăng áp lực, kỳ thi này mới thực sự phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.

Tổ chức Kiểm định thang cuốn uy tín