Hệ thống theo từng chủ đề lịch sử
Muốn nắm vững kiến thức môn lịch sử, học sinh (HS) cần có cách học hệ thống theo từng chủ đề, từng giai đoạn lịch sử. Học và diễn đạt theo cách triển khai sơ đồ nhánh: Mỗi giai đoạn có bao nhiêu đề mục, mỗi đề mục có bao nhiêu ý…
Đề cương trả lời câu hỏi nên làm ngắn gọn và sắp xếp hợp lý theo cấu trúc rõ ràng có luận đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng... Trên các nội dung cơ bản đó, cần hiểu rõ, xem xét, đánh giá sự kiện, hiện tượng trong mối quan hệ không gian, thời gian và nhân vật lịch sử. Nếu không, thí sinh rất dễ sa đà vào việc mô tả hoặc nêu sự kiện.
Trong quá trình ôn tập môn địa lý, HS cần kết hợp việc sử dụng và khai thác kiến thức từ atlat địa lý VN để có thể giảm việc học thuộc lòng một cách máy móc. Việc làm này có thể giúp HS giải quyết được những nội dung trong đề thi có sẵn câu trả lời trên atlat.
Riêng các dạng biểu đồ trên atlat (biểu đồ tròn, cột, kết hợp cột và đường, biểu đồ miền) có thể giúp HS tham chiếu để rèn luyện và hình thành kỹ năng vẽ biểu đồ. Ngoài ra, khi ôn tập, HS cần lưu ý các mối liên hệ nhân quả giữa các yếu tố tự nhiên, dân cư, kinh tế ngành và kinh tế vùng của nước ta.
HS cần phân chia kiến thức để ôn tập theo chủ điểm. Khi học bài, HS phải biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống và khác nhau. Nó sẽ giúp người học nhanh chóng chọn được phương án đúng.
Không nên học từng chất riêng lẻ vì như thế sẽ khó nhớ hết được những phương trình phản ứng hóa học và sẽ xử lý chậm, mất nhiều thời gian để chọn phương án đúng.
Để giải tốt các bài toán hóa học, phải biết cách giải theo phương trình phản ứng hóa học và giải theo các định luật (định luật thành phần không đổi, định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn mol nguyên tố, bảo toàn mol electron...).
Những bài toán khó thường là những bài kết hợp nhiều vấn đề về phương trình phản ứng hóa học, sử dụng nhiều định luật để giải.
HS cần nắm vững kiến thức lớp 12 và một số vấn đề đã học ở các lớp 10, 11. Chẳng hạn, ở lớp 10, nên ôn tập kiến thức động học và động lực học chất điểm. Chú trọng các khái niệm vận tốc, gia tốc, lực quán tính, các định luật Newton và các lực cơ học...
Ở lớp 11, chú ý đến công của lực điện trường, chuyển động của hạt mang điện dưới tác dụng của lực điện trường, từ trường và cảm ứng điện từ, chuyển động của hạt mang điện dưới tác dụng của từ trường, thấu kính và lăng kính, sự truyền ánh sáng qua thấu kính và lăng kính, các công thức thấu kính và lăng kính...
Với hình thức thi trắc nghiệm, các nội dung kiến thức được đề cập trong đề thi rất rộng, bao phủ toàn bộ chương trình vật lý lớp 12, song không có những nội dung được khai thác quá sâu, phải sử dụng nhiều phép tính toán như hình thức tự luận.
Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức và các dạng bài tập cơ bản trong SGK là có thể làm tốt bài thi.
Để được như vậy, HS hãy chú ý học để hiểu, nắm thật chắc lý thuyết và luyện tập các dạng bài tập cơ bản ở hình thức tự luận, từ đó rút ra những nhận xét quan trọng và thật sự bổ ích.
Sự nóng vội, chỉ lao ngay vào luyện giải các đề trắc nghiệm sẽ làm các em không thể nắm được tổng thể và hiểu sâu kiến thức bởi ở mỗi câu hỏi trắc nghiệm, vấn đề được đề cập thường không có tính hệ thống.