Thí sinh trượt xét tuyển đợt 1 vẫn còn cơ hội nếu biết chọn lựa

GD&TĐ - Dù chưa kết thúc thời gian xác nhận nhập học đợt 1 (30/9) nhưng nhiều trường đã thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Gia Định.
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Gia Định.

Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, với bối cảnh tuyển sinh năm nay thì rớt xét tuyển đợt 1, thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển.

Điểm chuẩn xét tuyển bổ sung không biến động mạnh

Theo Quy chế tuyển sinh 2022, bắt đầu từ 1/10 nếu đợt 1 không tuyển đủ chỉ tiêu, các trường đại học bắt đầu thông báo xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT nhả dữ liệu (sau lọc ảo), các trường đã thấy rõ nhiều ngành vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên có kế hoạch tuyển đợt tiếp theo khá sớm.

Trường công lập thì thiếu vài chục đến vài trăm chỉ tiêu, còn nhiều trường ngoài công lập buộc phải thông báo tuyển sinh bổ sung gần như tất cả ngành đào tạo bằng nhiều phương thức xét tuyển cùng lúc.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) thông báo tuyển bổ sung bằng phương thức học bạ THPT. Trường ĐH Hoa Sen thông báo tuyển bổ sung tất cả 33 ngành đào tạo bằng cả 4 phương thức mà trường công bố trong năm nay. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM xét tuyển gần 200 chỉ tiêu nhiều ngành như: Quản lý tài nguyên môi trường, quản lý đất đai và kinh tế tài nguyên, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, công nghệ dệt may, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ thực phẩm… với mức điểm 19 theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.

“Trường cũng dự kiến đợt xét tuyển bổ sung này là cuối cùng của kỳ tuyển sinh 2022. Đây được xem là cơ hội cuối mà nhiều thí sinh cần chú ý nắm bắt. Vì trong trường hợp có điểm thi tốt nghiệp không như mong muốn hoặc chưa đăng ký xét tuyển, việc nộp hồ sơ lúc này có thể được xem xét thận trọng nhằm tìm kiếm ngành học mà mình yêu thích và phù hợp với năng lực”, ThS Nguyên nói.

ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, căn cứ vào số lượng thí sinh nhập học thực tế, nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển học bạ bổ sung đến hết 17 giờ ngày 3/10. Mức điểm nhận hồ sơ bổ sung phương thức xét tuyển học bạ tổ hợp 3 môn lớp 12 và xét điểm trung bình 3 học kỳ là từ 18 điểm trở lên.

Nhiều trường đã thông báo mức xét tuyển bổ sung gần như bằng điểm trúng tuyển đợt 1, nên cơ hội trúng tuyển của thí sinh có điểm cao nhưng rớt đợt 1 vào các ngành học mình yêu thích ở các trường khác vẫn rất lớn.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết, năm nay các trường công lập thông báo tuyển bổ sung khá nhiều, trường ngoài công lập cũng tương tự. Do đó, số lượng chỉ tiêu và cơ hội trúng tuyển cho những thí sinh có điểm cao nhưng rớt đợt 1 gần như vẫn còn 80%. Vì vậy, thí sinh cần phải biết nắm bắt cơ hội còn lại bằng việc theo đuổi ngành học mình yêu thích ở ngôi trường khác, bởi thực tế điểm xét bổ sung ở nhiều trường không có nhiều biến động so với điểm xét đợt 1.

Phụ huynh vui mừng và thoải mái khi nhập học sớm cho con vào Trường ĐH Gia Định.

Phụ huynh vui mừng và thoải mái khi nhập học sớm cho con vào Trường ĐH Gia Định.

Thí sinh cần tỉnh táo

Là trường có mức điểm trúng tuyển bình quân các ngành dao động từ 19 - 23 điểm, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) tiếp tục thông báo tuyển bổ sung cho một số ngành còn thiếu với mức điểm trúng tuyển không tăng so với đợt 1. Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI, trường vẫn còn nhiều ngành tuyển bổ sung như công nghệ vật liệu, quản lý năng lượng, công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường.

“Nhà trường dự báo không thay đổi về điểm trúng tuyển so với đợt 1, nghĩa là điểm trúng tuyển của các ngành bổ sung vẫn giữ 16 điểm. Vì vậy, việc thí sinh có mức điểm từ 19 - 21 điểm mà chưa thể trúng tuyển vào các nhóm ngành tương tự ở các trường mình yêu thích có thể tìm kiếm cơ hội vào trường bằng nguyện vọng bổ sung. Vấn đề là thí sinh phải biết và hiểu mình mong muốn điều gì thực sự ở đợt xét tuyển tới; đặt nguyện vọng với sự tính toán kỹ lưỡng mức điểm của mình với điểm mà các trường thông báo”, ThS Sơn nói.

Thực tế, khi đánh rơi cơ hội trúng tuyển ở đợt 1 dù điểm thi không tệ nhưng thí sinh vẫn còn rất nhiều cơ hội được theo học ngành mà mình yêu thích ở trường khác bằng các phương thức xét tuyển khác. ThS Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT), nhìn nhận, với tình hình tuyển sinh năm nay, thí sinh dù rớt đợt 1 vẫn tràn đầy hy vọng trúng tuyển ở các trường khác bằng phương thức trúng tuyển khác như xét học bạ THPT hay điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM.

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Gia Định - cũng đồng tình quan điểm trên và cho rằng với bối cảnh tuyển sinh năm nay, nếu thí sinh chịu khó tìm hiểu vẫn có thể trúng tuyển và theo học đúng ngành học mình yêu thích ở trường khác.

“Môi trường giáo dục đại học hiện nay gần như tương đồng giữa các trường, việc thí sinh chọn theo học ngành học mình yêu thích ở trường này hay trường kia thật sự không còn quá quan trọng. Tất nhiên, thương hiệu vẫn là yếu tố đầu tiên thí sinh định vị, nhưng không vì thế mà đánh mất đi cơ hội trúng tuyển và học tập của mình.

Bởi thực tế, việc đánh giá chất lượng nhân lực của các doanh nghiệp hiện nay không nằm ở bằng đại học lấy từ trường nào, mà họ chỉ quan tâm đến năng lực và kỹ năng có được là gì sau khi ra trường. Vì vậy, tôi cho rằng, thí sinh cần cân nhắc và chọn lựa thật chín chắn cơ hội thứ hai ở 50 trường đại học đang có thông báo xét tuyển bổ sung hiện nay”, TS Toàn nói.

“Với ngưỡng điểm xét tuyển bổ sung mà các trường đã công bố, nếu thí sinh có học lực khá và mức điểm học tập trên 7,0 của học bạ hoặc 700 điểm thi ĐGNL thì hoàn toàn có thể trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích ở trường khác, nếu biết “hạ chuẩn” của bản thân mình”, ThS Dương Trần Minh Đoàn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.