“Head to head challenge” hay còn gọi là phần thi Người đẹp truyền thông, là nội dung được đánh giá căng thẳng nhất tại Miss World Việt Nam.
Ở phần thi này, các thí sinh sẽ đối đáp trực tiếp với MC Danh Tùng để thể hiện những suy nghĩ, hiểu biết của mình về các vấn đề “nóng” của xã hội.
Các thí sinh được chia thành 8 nhóm với 8 chủ đề khác nhau, mỗi nhóm gồm 5 thí sinh. Mỗi nhóm thí sinh được đối thoại trực tiếp với MC Danh Tùng qua 6 câu hỏi, gồm 1 câu hỏi chung và 5 câu hỏi riêng dành cho từng thí sinh trong nhóm.
Bình đẳng giới tính và giá trị của một Người đẹp nhân ái
Với câu hỏi: “Nếu quá trình đấu tranh của bạn cho quyền bình đẳng này của bạn gặp khó khăn, bị phản đối kịch liệt, bạn sẽ dừng lại để đảm bảo hào quang của mình hay chiến đấu bằng cách nào?”.
Thí sinh Lê Thanh Tú đã có những ý kiến rất thú vị về vấn đề này, Cô cho biết, Miss World hướng tới khẩu hiệu Beauty with a purpose, có nghĩa là nhan sắc hướng tới nghĩa cử tốt đẹp, do đó khi tham gia cuộc thi, mỗi thí sinh đều mang trong mình sự mạnh mẽ và hi vọng tiếng nói của mình sẽ có giá trị và có thể dung sự ảnh hưởng để đấu tranh cho những giá trị công bằng.
Với câu hỏi chung: “Bình đẳng giới tính tới hiện này có còn được tính là sự cư xử công bằng giữa nam và nữ hay không?”, các thí sinh đều thống nhất với ý kiến việc bình đẳng giới không chỉ dành chọn nam hay nữ mà còn dành cho cả giới tính thứ ba.
Vì ở xã hội ngày một phát triển, việc phân biệt giới tính là điều không đáng có mà nên tôn trọng lẫn nhau, ở giới tính nào cũng sẽ có những người tài giỏi vì thế nếu phân biệt cư xử sẽ dẫn đến bỏ sót những tài năng muốn cống hiến cho xã hội.
Loạn danh xưng Hoa hậu - Nữ hoàng và vai trò của các Hoa hậu thực sự
Ở chủ đề này, các thí sinh đã thể hiện phần thi của mình một cách tự tin, lưu loát. Đây là nhóm thí sinh có những câu trả lời khá hoàn chỉnh và được đánh giá rất rõ ý ở mỗi câu trả lời.
Với chủ đề khá nhạy cảm về danh xưng hoa hậu, các thí sinh đã đưa ra quan điểm về ý nghĩa đích thực của ngôi vị hoa hậu cũng như bác bỏ những cuộc thi không chính thống gây ảnh hưởng đến giá trị thực sự của cuộc thi thực sự đáng được tôn vinh.
Thí sinh mang số báo danh 500 Thu Hiền thể hiện quan điểm “gắt”: “Chúng ta nên lên án những cuộc thi không chuyên nghiệp, “ao làng” với mục đích cuối cùng nhằm đánh bóng tên tuổi, PR cho một cá nhân hay tập thể nào đó!”.
Thế giới ảo, giá trị thực
Đây là chủ đề rất thực tế trong xã hội hiện tại, các thí sinh đã trình bày những thực trạng “nghiện” mạng xã hội đặc biệt là các bạn trẻ.
Với “căn bệnh” nhức nhối này, các thí sinh cũng đưa ra những lời cảnh báo về tác hại của nó ảnh hưởng xấu đến đời sống thực, làm xa cách những mối quan hệ cần thiết và giảm sự tương tác giữa con người với nhau.
Giá trị của tấm bằng đại học
Đây là một chủ đề mà các thí sinh đưa ra những ý kiến khác nhau và tranh luận rất sôi nổi để bảo vệ quan điểm của mình.
Với mỗi ý kiến về giá trị của tấm bằng đại học, có thể thấy các thí sinh với tư duy hiện đại và đổi mới đã có những suy nghĩ rất mới mẻ và luôn thúc đẩy bản thân phát triển, không ngừng nâng cao năng lực riêng của mình.
Vẻ đẹp nhân văn
Khi được hỏi về một siêu năng lựa mong muốn, thí sinh Nông Thúy Hằng hi vọng mình có thể điều khiển được thiên nhiên, vì thiên nhiên là vấn đề nan giải mà con người chỉ có thể phòng tránh khi bão tố đến chứ không thể thay đổi nó.
Cô cho rằng, nếu có siêu năng lực thực sự, cô có thể giúp cho cuộc sống của mọi người được bình yên và thoải hơn thay vì những cảnh tượng bão lũ, thiên tai.
Nạn bạo hành, lạm dụng, xâm hại trẻ em ở Việt Nam
Khi được hỏi về giải pháp để ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em, thí sinh Nguyễn Phương Hoa cho rằng: “Giải pháp quan trọng nhất là sự phối hợp giữa nhà nước, nhà trường và đặc biệt là gia đình.
Riêng đối với gia đình, cần dành thời gian để lắng nghe và quan tâm đến con cái nhiều hơn. Để nắm bắt sự thay đổi trong tâm sinh lý của các em hay kịp thời tìm ra giải pháp cho những khó khăn các em đang gặp phải.
Vì thực tế ở Việt Nam con cái thường không thể hiện tình cảm với ba mẹ quá nhiều và càng lớn khoảng cách đó càng rộng hơn, Phương Hoa hi vọng mỗi gia đình có thể chú ý hơn đến điều này để có thể gần gũi và hướng dẫn cho các em những điều đúng đắn”.
Đối với việc tuyên truyền nhận thức bảo vệ trẻ em cho những người lao động nghèo, thí sinh Tô Mai Thùy Dương chia sẻ rất thẳng thắn: “Phải tuyên truyền bằng cách dùng từ ngữ và hình ảnh đơn giản để họ dễ hiểu và phân tích một cách cụ thể về ảnh hưởng lâu dài mà vấn đề nhạy cảm này nếu không may xảy ra với con em của họ. Từ đó kêu gọi họ dám lên tiếng và biết cách để bảo vệ con em của mình”.
Làm từ thiện thế nào cho văn minh?
Trong chủ đề này thí sinh Huỳnh Thị Thanh Dâng đã có những chia sẻ rất xúc động khi gặp một hoàn cảnh cụ bà nghèo ăn xin bên lề đường vào đêm khuya khiến cô rất xúc động và nhớ tới người bà của mình.
Qua chủ đề này, các thí sinh đã đưa ra những quan điểm rất thú vị về cách thức làm từ thiện đúng đắn và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của việc làm từ thiện.
Chuẩn mực vẻ đẹp
Với chủ đề này, các thí sinh trực tiếp tham gia đối đáp với MC Danh Tùng gồm có: Hoàng Thị Bích Ngọc – SBD 111, Nguyễn Thị Lan Anh – SBD 009, Nguyễn Tường San – SBD 055, Nguyễn Thị Thu Phương – SBD 048.
Các thí sinh thể hiện được cá tính hiện đại của mình rất mạnh mẽ, đồng thời thể hiện ý kiến của mình về vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của mình.
Khi MC Danh Tùng đưa ra câu hỏi riêng dành cho thí sinh Nguyễn Thị Lan Anh, cô đã rất xúc động khi chia sẻ “Em hạnh phúc vì em có mẹ”.
Cô cho biết cô rất tự tin với vẻ bề ngoài của mình và mặc dù gia đình của cô không được êm đềm, hạnh phúc. Đối với cô, không vẻ đẹp nào có thể đẹp bằng tình mẹ. Những giọt nước mắt hạnh phúc rơi với những chia sẻ thật lòng khiến người xem phải động lòng.
Thí sinh xuất sắc nhất trong phần thi Head to Head sẽ được công bố trong thời gian gần nhất. Thí sinh dành chiến thắng phần thi này sẽ được lọt thẳng vào top 25 vòng chung kết diễn ra ngày 3/8 tại Đà Nẵng.