Thí sinh không nhất thiết phải xếp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên đầu

GD&TĐ - Thí sinh không nhất thiết phải xếp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên đầu, mà có thể xếp sau (nếu đó chưa phải nguyện vọng mình thích nhất).

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024.

Ngày 20/7, Ngày Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 đã diễn ra tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Chương trình do Báo Tuổi trẻ, phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Thí sinh cần bảo mật tài khoản truy cập vào Hệ thống

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin, trong ngày đầu tiên ‘mở cổng’ đã có hơn 6 nghìn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Còn 10 ngày nữa để thí sinh cân nhắc kỹ để lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng phù hợp. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, những thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống. Thí sinh cần bảo mật tài khoản truy cập vào Hệ thống. Nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển của mình.

Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Đề phòng rủi ro, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn. Qua đó, cơ hội trúng tuyển của các em sẽ cao hơn rất nhiều.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, lọc ảo thực chất là sắp xếp nguyện vọng của thí sinh, xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Do đó, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thì hệ thống sẽ không xét tiếp, kể cả thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển các nguyện vọng khác.

Theo quy định, cơ sở đào tạo không phải ưu tiên nhận hết thí sinh có nguyện vọng 1 rồi mới xét nguyện vọng 2 hay 3… mà sẽ xét công bằng với tất cả các nguyện vọng nếu thí sinh đủ điều kiện sẽ được xét trúng tuyển. Vì thế thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh.

DSC_1980.JPG
Hoạt động tư vấn xét tuyển - ngày 20/7.

Chia sẻ "công thức" sắp xếp nguyện vọng xét tuyển, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương khuyên thí sinh nên lập thành 3 nhóm: Nhóm ước mơ là các nguyện vọng thí sinh yêu thích nhất; Nhóm vừa sức là các nguyện vọng thí sinh muốn học và có khả năng trúng tuyển cao; Nhóm có cơ hội trúng tuyển cao để "chống trượt".

"Từ khóa" để thí sinh ghi nhớ khi xếp thứ tự ưu tiên là "yêu thích", tức xếp thứ tự theo mức độ yêu thích” - PGS.TS Vũ Thị Hiền tư vấn.

Chứng chỉ IELTS còn giá trị ở thời điểm này?

Liên quan đến chứng chỉ IELTS, có thí sinh đặt câu hỏi, nếu chưa sử dụng chứng chỉ này cho việc trúng tuyển sớm thì bây giờ có thể sử dụng để xét tuyển? Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết, việc này sẽ tùy theo quy định của mỗi trường. Có trường vẫn có thể xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS với một tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, các trường có thể xét tuyển phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Với các tổ hợp có ngoại ngữ, các trường có thể sẽ cho phép thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS để quy đổi thay thế cho môn thi ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ. Việc quy đổi sẽ tùy theo mỗi trường quy định.

PGS.TS Vũ Thị Hiền cho biết, sẽ có một số trường quy định ngưỡng điểm tốt nghiệp của các môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển mà thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển sớm (xét điểm học bạ THPT).

Ví dụ, Trường ĐH Ngoại thương ngưỡng điểm là 24. Trường hợp này, thí sinh cũng có thể sử dụng chứng chỉ IELTS thay thế điểm thi môn ngoại ngữ để có thể đạt ngưỡng quy định của trường.

trungtuyensom.jpg1.jpg
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ tại Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 - ngày 20/7.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường Đại Học Phenikaa (Hà Nội) giải thích thêm, thí sinh có chứng chỉ IELTS cần xem kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường để biết chứng chỉ được sử dụng trong phương thức nào, cách quy đổi ra sao và thời điểm có thể sử dụng chứng chỉ.

Đặt vấn đề, nếu trượt năm nay thì có được thi và xét tuyển năm 2025 không? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói: "Thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Thí sinh cũng có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng vào năm sau. Tuy nhiên, có thể các trường sẽ dành ít chỉ tiêu hơn để xét tuyển với nhóm thí sinh này. Vì thế, các em sẽ ít lợi thế hơn so với việc tham gia xét tuyển năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ