Nhà trường, địa phương đã chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của học sinh.
Quy định nhân văn
Sử dụng cả phương thức xét điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ, Lâm Thị Minh Thư - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ) đang nỗ lực ôn tập ở giai đoạn nước rút. Chuẩn bị trong thời gian dài để sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới, nên Thư cũng như các bạn không muốn có bất kỳ trở ngại nào ảnh hưởng đến kế hoạch này.
“Em rất vui khi Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh F0 có thể dự thi cùng đợt 7 - 8/7. Điều này bảo đảm công bằng, tránh lãng phí thời gian, không tạo áp lực tâm lý cho TS. Không may bị F0, em vẫn muốn được dự thi cùng đợt với các bạn. Nếu rơi vào trường hợp này, em mong sẽ được thi trong khu vực riêng biệt, có trang thiết bị y tế cần thiết để hỗ trợ trong tình huống xấu nhất” - Lâm Thị Minh Thư chia sẻ.
Theo thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), ngoài dự thi để xét tốt nghiệp THPT, hầu hết thí sinh đều có nguyện vọng dùng kết quả thi xét tuyển vào ĐH, CĐ. Do đó, thí sinh F0 được tạo điều kiện dự thi là rất nhân văn, bảo đảm quyền lợi, đúng theo nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, giáo viên nhà trường.
Với quy định này, công tác chuẩn bị của Hội đồng thi các tỉnh, thành nhiều khâu phải có thêm phương án. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chủ động được, vì Kỳ thi năm 2021 đã thực hiện các nội dung này và lúc đó tình hình chuẩn bị còn khó khăn, thụ động hơn. Sau khi có hướng dẫn từ Hội đồng thi của tỉnh, điểm thi sẽ chuẩn bị các phương án theo đúng quy định, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động hoặc không bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cho rằng: Dự thi tốt nghiệp THPT là nguyện vọng chính đáng của học sinh; ngoài công nhận tốt nghiệp, các em còn lấy điểm để đăng ký xét tuyển ĐH. Do vậy, học sinh F0 được tạo điều kiện dự thi là hoàn toàn hợp lý. Đặc biệt, các em đã được tiêm phòng nên sẽ không có tâm lý lo lắng khi có bạn F0 dự thi cùng điểm thi.
“Việc tổ chức sẽ có khó khăn nhất định, nhưng vì quyền lợi của học sinh, các đơn vị sẽ có phương án bố trí hợp lý. Từ nay đến ngày thi còn hơn 1 tháng, đủ thời gian để các điểm thi xây dựng phương án tổ chức thi bảo đảm yêu cầu. Riêng trường THPT Tân Sơn có phương án bố trí hợp lý (phòng thi, trang thiết bị phòng chống dịch….) đúng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi sắp tới” - thầy Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Không chủ quan
Đồng tình với phương án của Bộ GD&ĐT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Phùng Quốc Lập đưa lý do: Phòng, chống dịch bệnh thời gian qua trên cả nước nói chung, tại trường học nói riêng được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tốt, dần thích ứng với tình hình dịch. Cán bộ, giáo viên, học sinh được tiêm phòng; số ca mắc đã giảm rất nhiều (Phú Thọ mỗi ngày còn vài chục ca mắc và có xu thế giảm dần), số ca nhiễm nặng ít (hầu như không có). Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đều có ý thức cao trong phòng chống dịch.
Do đó, tổ chức thi cho thí sinh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ cần bố trí phòng thi dự phòng, thêm lực lượng tham gia tổ chức thi; chuẩn bị trang thiết bị y tế (quần áo bảo hộ, các biện pháp phòng hộ cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức). Bố trí phòng thi cách biệt; di chuyển từ nơi ở đến nơi dự thi và ngược lại đối với thí sinh F0; tâm lý cán bộ coi thi tại các phòng thi riêng; điều hành, xử lý các tình huống trong quá trình tổ chức thi khi tình hình dịch diễn biến phức tạp… cũng là khó khăn có thể phát sinh.
Chuẩn bị cho tình huống này, Sở GD&ĐT Phú Thọ ban hành hướng dẫn tổ chức thi cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo quy định của Bộ GD&ĐT; tổ chức xác định thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; bố trí phòng thi, trang thiết bị phòng chống dịch; bố trí lực lượng tham gia và tổ chức coi, chấm thi bảo đảm yêu cầu.
“Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với cơ quan Y tế để có hướng dẫn phòng, chống dịch đúng quy định; cung cấp thiết bị cần thiết và cử lực lượng tham gia. Sở đồng thời phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong việc chuẩn bị phương án tổ chức thi trong điều kiện dịch Covid-19; tuyên truyền để làm tốt công tác phòng, chống dịch. Với trường đặt điểm thi, sở GD&ĐT chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thi cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19; trong đó chú trọng quán triệt quy định tổ chức coi thi, công tác chuẩn bị trang thiết bị phòng, chống dịch” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.
Nhận định văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là phù hợp với tình hình thực tiễn, ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Thái Bình cho hay: Năm 2021, Thái Bình đã tổ chức 1 điểm thi riêng cho thí sinh F0, F1. Việc lựa chọn cán bộ, GV tại điểm thi này thực hiện bằng hình thức bốc thăm. Dù khi đó dịch bệnh rất căng thẳng nhưng thầy cô vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ. Năm nay tình hình dịch bệnh đã giảm nhiều, Thái Bình số ca F0 rất ít nên việc chuẩn bị, tổ chức thuận lợi hơn. Mặc dù vậy, tinh thần chung của địa phương là không chủ quan và chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ các điều kiện để có thể đáp ứng được trong mọi tình huống.
Năm nay, Thái Bình có trên 20.000 thí sinh đăng ký dự thi, dự kiến có 33 điểm thi chính thức với gần 900 phòng thi. Số cán bộ, GV được huy động tham gia các khâu của kỳ thi là trên 2.000 người (chưa tính lực lượng công an, y tế, bảo vệ, phục vụ). “Theo dự kiến của Sở GD&ĐT Thái Bình trình Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh, mỗi huyện/thành phố sẽ bố trí 1 điểm thi dự phòng; ngoài ra mỗi điểm thi đều có ít nhất 1 phòng thi dự phòng. Phương án về nhân sự, cơ sở vật chất cho kỳ thi đã được dự kiến để xin ý kiến Ban Chỉ đạo” - ông Phan Văn Đức thông tin.