Chiều 24/11, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, dự thảo kế hoạch năm 2024 và định hướng kỳ thi năm 2025.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, từ năm 2025, Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học này tổ chức cơ bản theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước.
Đồng thời, kỳ thi có những điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đề thi vẫn gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.
Sự điều chỉnh chủ yếu ở phần giải quyết vấn đề. Ngoài kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, phần này sẽ thêm nhóm kiến thức về Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây là môn học mới, theo Chương trình phổ thông 2018.
Ngoài ra, cũng ở phần thi này, thí sinh được lựa chọn 3 trong số 6 nhóm vấn đề thay vì phải làm toàn bộ như hiện nay.
Dự thảo cấu trúc bài thi đánh giá năng lực từ năm 2025. Ảnh: Đại học Quốc gia TPHCM |
Ông Nguyễn Quốc Chính cho hay, từ năm 2025, kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự.
Những năm qua, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, thang điểm 1.200 với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.
Phần Sử dụng ngôn ngữ gồm 20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh, điểm tối đa là 400. Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học, khả năng dùng từ, đọc hiểu, phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh.
Phần Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu có điểm tối đa là 300, gồm 10 câu toán học phổ thông; 10 câu tư duy logic theo dạng suy luận và xác định các quy luật logic; 10 câu phân tích số liệu với bảng dữ liệu được cho trước.
Phần Giải quyết vấn đề là những câu hỏi liên quan đến kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, tối đa 500 điểm. Mỗi lĩnh vực Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử có 10 câu.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 được tổ chức tại điểm thi Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thống kê của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy, sau 6 năm tổ chức, quy mô và chất lượng của kỳ ngày càng được khẳng định.
Số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh qua các năm. Năm 2018, có gần 5.000 thí sinh (đến từ khoảng 616 trường THPT) đăng ký dự thi, đến năm 2023 con số này là hơn 100.000 thí sinh (đến từ 1.815 trường THPT).
Số lượng đăng ký dự thi năm 2023 tăng 9% so với năm 2022 và tăng hơn 50% so với năm 2021.
Phổ điểm của mỗi kỳ thi đều có dạng gần với phân bố chuẩn, đồng dạng với nhau. Đồng thời, độ rộng của phân bố điểm thể hiện bài thi có mức độ phân hoá tốt phù hợp mục tiêu tuyển sinh đại học.
Qua các nghiên cứu đối sánh kết quả học tập ở trường đại học của sinh viên cho thấy, sinh viên nhập học bằng phương thức đánh giá năng lực đạt kết quả học tập rất tốt so với một số phương thức khác.