Thí sinh An Giang hào hứng với đề thi Đọc hiểu môn Ngữ văn được trích từ Báo Giáo dục & Thời đại

GD&TĐ - Sáng 7/6, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 tại An Giang đã làm bài thi môn Ngữ văn. Đề thi phần Đọc hiểu văn bản được trích từ Báo Giáo dục và Thời đại online.

Thí sinh An Giang dự thi vào lớp 10.
Thí sinh An Giang dự thi vào lớp 10.

Theo đó, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của tỉnh An Giang có 2 phần (Đọc hiểu, 4 điểm và Làm văn, 6 điểm). Bài thi diễn ra trong 120 phút theo hình thức tự luận.

Phần Đọc hiểu đề thi chọn ngữ liệu từ bài viết: “Người càng hiểu biết càng khiêm nhường” đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại online.

Nội dung đề phần Đọc hiểu như sau:

1. “Ở một ngôi làng nọ, có hai cha con người đàn ông trung niên sống cùng nhau. Một hôm trời đẹp, người cha rủ con trai đi vào rừng dạo chơi. Cậu con trai vô cùng cao hứng đi cùng bố. Hai cha con đi đến đoạn đường uốn lượn thì dừng lại.

Trong một phút trầm lặng ngắn ngủi, người cha hỏi con: “Con trai! Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được thấy tiếng gì khác không?”

Cậu bé sau một hồi lắng nghe liền trả lời cha: “Cha ơi, con còn nghe được cả tiếng xe ngựa nữa ạ!”

Người cha lại hỏi tiếp: “Đúng rồi! Đó là một chiếc xe ngựa trống, không chở gì cả.”

Cậu con trai ngạc nhiên hỏi lại: “Chúng ta còn chưa nhìn thấy nó, sao cha lại biết đó là chiếc xe ngựa trống rỗng?”

Người cha đáp: “Từ âm thanh con có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc xe trống không. Xe ngựa càng trống rỗng, thì âm thanh sẽ càng to.”

Về sau này, cậu con trai trưởng thành, là một người thông minh, giỏi giang và thành đạt. Mỗi lần cậu chứng kiến một ai đó dùng lời lẽ ba hoa, lỗ mãng để nói chuyện, tự cho là mình đúng, tự cao tự đại, hạ thấp người khác thì cậu đều nhớ đến lời nói của cha vẫn như đang văng vẳng bên tai mình: “Xe ngựa càng trống rỗng thì âm thanh sẽ càng to.”

2. Người có thể dùng tâm thái bình tĩnh, “bình tâm tĩnh khí” để nói chuyện với người khác thì sẽ tránh được việc khắc khẩu, cãi vã giữa đôi bên. Người như vậy cũng sẽ càng học được cách lắng nghe người khác, mà lại không cường điệu, khoa trương chính mình!

Cho nên, sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu luôn là phương châm tu dưỡng đạo đức, quan hệ ứng xử cần thiết trong cuộc sống của mỗi người.

(Theo Báo Giáo dục và Thời đại online, Người càng hiểu biết càng khiêm nhường, 3/8/2016).

Thí sinh An Giang hào hứng với đề thi Đọc hiểu môn Ngữ văn được trích từ Báo Giáo dục & Thời đại ảnh 1
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh An Giang.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh An Giang.

Theo chia sẻ của các thí sinh, phần Đọc hiểu trích dẫn ngữ liệu từ Báo Giáo dục và Thời đại rất có ý nghĩa. Đặc biệt là trong bối cảnh nhà trường, gia đình tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

“Trong mối quan hệ giữa học sinh với nhà trường, thầy cô, gia đình thì văn hóa ứng xử rất cần được quan tâm và đề thi Đọc hiểu đã đánh động tới vấn đề này. Báo Giáo dục và Thời đại là tờ báo ngành, được thầy cô giáo, học sinh theo dõi nên đề bài này là chủ đề quen thuộc.

Phụ huynh chúng tôi cảm thấy rất vui khi đề thi đã bám sát hơi thở cuộc sống, không chỉ là thi để lấy điểm mà còn giúp các em học sinh trang bị kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống”, chị Phạm Mỹ Nghi, phụ huynh có con dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Long Xuyên chia sẻ.

Chia sẻ về đề thi, em Nguyễn Minh Thắng, học sinh lớp 9 tại TP Long Xuyên cho biết: “Đề thi Ngữ văn không quá nặng nề nhưng sâu sắc, em thích nhất là phần Đọc hiểu. Phần này không cần phải học thuộc bài mà học sinh cần trình bày quan điểm cá nhân về việc ứng xử trong cuộc sống. Nhất là đức tính khiêm nhường, rèn luyện đạo đức và bình tĩnh trước mọi vấn đề gặp phải. Em làm khá tốt, hy vọng em đạt điểm cao ở môn Ngữ văn”.

Theo các thầy cô giáo, phần Đọc hiểu đề thi Ngữ văn khuyên các em học sinh trong cuộc sống cần phải khiêm tốn. Sự khiêm nhường, khiêm tốn giúp con người thành công. Qua đó khuyên học sinh sống khiêm nhường, tu dưỡng đạo đức, bình tĩnh để có cách ứng xử khéo léo, thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ