Xã hội của chúng ta ngày một phát triển và dần có khả năng thay đổi cả thế giới nhờ vào những thành tựu khoa học tiên tiến.
Tuy nhiên, đằng sau những thành tựu bứt phá này là góc khuất gây nhiều tranh cãi: chuỗi các thí nghiệm tàn nhẫn trên cơ thể các loài động vật như chuột, khỉ, thỏ, mèo…
Để xác định phần não bộ điều khiển vận động, chú mèo tham gia thí nghiệm đã bị... loại bỏ một phần lớn não bộ, chỉ để lại phần cuống não kết nối với tủy sống.
Sau đó, chú mèo này được gắn vào một chiếc máy chạy bộ với các mức độ nhanh chậm khác nhau để kiểm tra về khả năng vận động trong tình trạng gần như không còn não - theo đúng nghĩa đen.
Chú mèo vẫn vận động bình thường dù mất gần hết não
Kết quả là chú mèo thí nghiệm vẫn có khả năng vận động ở ba mức độ khác nhau. Điều này đã khiến các nhà khoa học nghi ngờ rằng khả năng vận động của động vật - bao gồm cả con người - không bị kiểm soát bởi não bộ mà được kích hoạt thông qua một hệ thống phản hồi thông tin tự động đặc biệt của cơ thể.
Từ kết quả này, các nhà nghiên cứu đã triển khai thêm nhiều thí nghiệm khác và phát hiện ra, chúng ta chỉ cần mạng lưới thần kinh trong tủy sống là đủ để kết hợp các chi và khớp, giúp cơ thể có thể hoạt động nhịp nhàng.
Theo đó, thậm chí dù bị tách biệt với não thì cơ thể chúng ta vẫn có thể đi bộ, bơi lội và cả… nhảy đầm. Phát hiện này có đóng góp lớn cho nghiên cứu về việc hồi phục sau dư chấn và các bệnh liên quan đến tủy sống.
Dù đóng góp của nghiên cứu này đối với sự phát triển của y học là không nhỏ, nhưng nhiều tranh cãi vẫn nổ ra.
Nhiều người cho rằng, phương pháp thí nghiệm này thật độc ác và vô nhân đạo, khi các nhà khoa học đã loại hẳn một phần não của chú mèo ra chỉ để phục vụ cho nghiên cứu. Kết cục của chú mèo này chắc chắn là cái chết không thể tránh khỏi.
Những thí nghiệm tàn khốc trên động vật trong lịch sử
Trong lịch sử, những thí nghiệm kinh hoàng trên động vật chỉ để phục vụ khoa học không hề ít.
Một ví dụ điển hình là vào năm 1817, nhà khoa học người Đức - Karl August Weinhold đã cố gắng tạo ra một Frankeistein phiên bản mèo (Frankeistein là quái vật tạo ra từ cơ thể người chết).
Ảnh minh họa
Ông đã giết chết một chú mèo, sau đó Weinhold bơm vào cơ thể chú mèo xấu số hợp chất kẽm và bạc. Kết quả là trong gần 20 phút, con vật đã “sống dậy”: nó mở mắt, ngẩng đầu và đứng lên đi lại được trước khi gục ngã và lịm đi.
Một ví dụ khác là nghiên cứu từ những năm 1950 của nhà khoa học Nga Vladimir Demikhov lại lấy chó làm vật thí nghiệm. Là một trong số những người đi đầu trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng, ông đã thử tạo ra cá thể “chó 2 đầu”.
Demikhov đã loại bỏ gần như toàn bộ cơ thể của một chú chó con, chỉ để lại phần đầu cùng với chân trước rồi… ghép chúng vào cổ của một chú chó trưởng thành. Ông phẫu thuật sao cho trái tim của chú chó lớn sẽ bơm đủ máu cho cả hai cái đầu hoạt động bình thường.
Quái vật kì dị này thực sự đã tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật, và thậm chí vẫn giữ được tính cách và thói quen của riêng mình như hai cá thể độc lập. Tuy nhiên, sinh vật xấu số đã chết chỉ 6 ngày sau đó.
Ngay cả ngày nay, những thí nghiệm trên động vật vẫn còn tồn tại và vây nhiều tranh cãi. Vào năm 2014, các tổ chức yêu động vật đã rất phẫn nộ trước thông tin rằng có đến 9 trường ĐH tại Anh, bao gồm cả Cambridge vẫn đang thực hiện các thí nghiệm khủng khiếp trên mèo.
Những chú mèo thí nghiệm bị cho gây mê rồi bị mổ banh sọ và cho dòng điện chạy dọc theo não và xương sống.
Các thí nghiệm này được cho là để giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cơ thể động vật và người. Trong đó, có những trường hợp được nuôi trong môi trường tối đen hoàn toàn để phục vụ nghiên cứu về hiện tượng nhược thị - hiện tượng suy giảm chức năng thị giác.
Một số khác bị đặt điện cực vào hộp sọ để nghiên cứu phản ứng giữa mắt và não bộ… Điều đáng nói ở đây là những “vật thí nghiệm” này đều sẽ bị loại bỏ sau đó.
Và những tranh cãi xung quanh việc nên hay không nên thí nghiệm trên động vật
Trong nhiều năm, vấn đề này đưa đến những tranh cãi kịch liệt. Hầu hết mọi người cho rằng, đây là những hành động độc ác và vô nhân tính, đồng thời không có đóng góp thực tế cho sự phát triển của khoa học.
Nhiều cá nhân và tổ chức đã đứng ra yêu cầu các trường đại học này dừng việc thí nghiệm trên mèo và các loài động vật khác.
Nói không với thí nghiệm trên động vật
Trái lại, người phát ngôn của ĐH lớn ở Anh lại cho rằng, những nghiên cứu này không chỉ giúp tìm hiểu về phản ứng của cơ thể người mà còn giúp phát triển các loại thuốc trong y học.
Một số nhà khoa học khác cũng đồng tình với quan điểm này và quả quyết thay vì thương xót, hãy coi như chúng là những "anh hùng", hy sinh thân mình để bảo vệ nhân loại.