Thầy Hoàng Long Trọng đánh giá: Nhìn bao quát, đề thi vẫn đảm bảo đúng cấu trúc của những năm trước. Cụ thể, đề gồm 3 câu: Đọc-hiểu; nghị luận xã hội, nghị luận văn học với số điểm cho mỗi câu không đổi.
Theo thầy Long Trọng, sự sâu sắc, sáng tạo của đề thể hiện ở việc sử dụng ngữ liệu khi ra đề.
"Nhìn chung đây là đề thi khá mở, tạo điều kiện, kích thích tư duy, tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình làm bài", thầy Trọng nhấn mạnh.
Đề bao quát và hướng đến các vấn đề của cuộc sống: Từ việc thách thức bản thân ở câu 1 với trào lưu hiện nay của giới trẻ đến việc lựa chọn cách ứng xử của một số bạn trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình ở câu 2 và hướng đến tình cảm gia đình, cụ thể là tình cha ở câu 3 (đề 1). Qua tuyến phát triển đề cho thấy đề khá nhân văn, đậm hơi thở cuộc sống;…
Đi vào một số câu cụ thể, ở câu 2, nghị luận xã hội: Từ câu chuyện của những cái cây, đề đặt ra cách ứng xử của một số bạn trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình. Đề không ép học sinh vào một lựa chọn cố định mà có 3 lựa chọn khác nhau. Học sinh có quyền lựa chọn một trong 3 cách ứng xử đó.
Cái hay của câu nghị luận xã hội chính là đưa ra lựa chọn cách ứng xử của bản thân học sinh trước việc ai đó hơn mình. Một vấn đề thực sự không dễ với mỗi người, nhưng cách ra đề khá uyển chuyển, tế nhị.
Đây là vấn đề thường xuyên xảy ra trong đời sống không chỉ của mỗi học sinh mà còn với mỗi con người chúng ta. Vì vậy, đề như định trước một bài học, giúp học sinh định hình trước cách ứng xử của mình để mình có thể sống tốt đẹp hơn, như một sự “buông bỏ” cho “nhẹ lòng”.
Ở câu 3: Nghị luận văn học. Trong đề 1, là ngữ liệu trong sách giáo khoa với bài Chiếc lược ngà của tác giả Nguyễn Quang Sáng. Nhưng khác những năm trước, đề không ra đoạn văn cụ thể mà ra cảm nhận tình cảm người cha dành cho con trong tác phẩm. Vì là đề cảm nhận lại là cảm nhận một vấn đề của gia đình nên khá thuận lợi cho học sinh trong quá trình viết bài.
Từ cảm nhận tình cảm người cha qua tác phẩm văn học, đề đi đến việc liên hệ với tác phẩm cùng đề tài hoặc thực tế đời sống để thấy sức mạnh gia đinh.Nhìn chung, với đề 1 này học sinh khá thuận lợi để hoàn thành tốt bài viết của mình.
Với đề 2, cũng như năm trước, từ những trải nghiệm trong quá trình đọc, học sinh viết về một đoạn thơ, bài thơ “Mở tới tình yêu” trong em. Đề thiên về cảm xúc, bộc lộ tình cảm…
Tóm lại, bao quát toàn bộ, tôi thực sự thích đề tuyển sinh năm nay, đề giàu giá trị nhân văn, nhân bản, đậm vị cuộc đời.