Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời Trường ĐH Đông Đô: Nội dung dự thảo rất tường minh
Nội dung dự thảo đã thực sự đáp ứng được mục tiêu “kép” là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Với tư cách là lãnh đạo một trường ĐH tư thục hay trong vai phụ huynh học sinh tôi đều thấy dự thảo quy chế tổ chức thi THPT quốc gia rất chi tiết, cụ thể và tường minh.
Trong dự thảo nói rất rõ các nội dung, từ môn thi, việc thành lập cụm thi, thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (nơi đặt cụm thi tỉnh/liên tỉnh), thành lập Hội đồng thi (tỉnh/liên tỉnh), nhiệm vụ của sở giáo dục và đào tạo, trường ĐH và trường phổ thông, đối tượng và điều kiện dự thi, việc miễn thi môn Ngoại ngữ, tổ chức đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh, yêu cầu đối với đề thi, đối tượng ưu tiên…
Tôi muốn nói đến một trong những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là việc thành lập các cụm thi - vấn đề này được đưa ra rất hợp lý trong dự thảo, đáp ứng được nguyện vọng học sinh và gia đình.
Có thể nói, trong thời điểm hiện nay, việc thành lập cụm thi gồm 2 tỉnh là phù hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sau một vài năm rút kinh nghiệm, có thể rút xuống mỗi tỉnh thành lập một cụm thi, vì thực tế, hiện mỗi địa phương đã có ít nhất một trường ĐH, CĐ.
Vấn đề tiếp theo là quy định ưu tiên, cộng điểm tốt nghiệp tương đồng, thống nhất giữa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, đây là nội dung tôi đánh giá cao tại dự thảo này.
Tiếp đến là vấn đề thời gian tổ chức thi. Việc Bộ GD&ĐT chuyển thời gian từ ngày 9, 10, 11, 12/6/ 2015 theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT sang đầu tháng 7 cũng thể hiện sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường.
Tuy nhiên, một số nội dung tôi muốn góp ý thêm cho dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia như sau:
Điều 7 về thành lập Hội đồng thi (tỉnh/liên tỉnh) ghi rõ: Hiệu trưởng trường ĐH chủ trì cụm thi quyết định thành lập Hội đồng thi. Nhưng Điều 25 về Ban Chấm thi lại quy định: Trưởng Ban chấm thi do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm.
Nên quy định rõ Giám đốc Sở GD&ĐT - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT làm Chủ tịch Hội đồng - Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi.
Sở dĩ có ý kiến này là do liên quan đến Điều 40 trong dự thảo quy chế về Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó: Giám đốc sở GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo sở GD&ĐT; Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Trưởng phòng Khảo thí, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Trưởng phòng GDTX; Các uỷ viên gồm lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên, nhân viên các phòng/ban thuộc sở GD&ĐT và lãnh đạo các trường phổ thông.
Chính vì điều này, Trưởng Ban chấm thi cũng phải do lãnh đạo Sở GD&ĐT đảm nhiệm, nếu không sẽ trở thành hình thức.
Ông Hoàng Đức Bình - Giám đốc truyền thông tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen: Dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến tích cực
Với cách thi mới, các giám thị chấm thi phải được làm quen, tập dượt trước để tránh khỏi lúng túng vì đã quen với cách chấm theo thang điểm 10 trước đây. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây không phải việc khó và mất nhiều thời gian.
Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT vừa công bố có nội dung mới, đó là: Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh đều giống nhau, đúng theo quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì.
Tôi cho rằng, đây là một tiếp thu rất hợp lý của Bộ GD&ĐT vì nếu phân biệt cụm do địa phương chủ trì, cụm do trường ĐH chủ trì, vô hình trung đã tạo ra một sự phân biệt giữa các thí sinh dự thi.
Tuy nhiên, với quy định này, Bộ GD&ĐT cần lựa chọn trường ĐH có đủ năng lực, kinh nghiệm tổ chức cụm thi nhằm đảm bảo chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia.
Một nội dung mới khác cũng khá hay của dự thảo quy chế là điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 20. Với thang điểm rộng như vậy, việc chấm thi sẽ phân hóa chi tiết hơn kết quả của thí sinh; từ đó, giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được thí sinh phù hợp.
TS Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long: Tạo điều kiện cho thí sinh, trường khó khăn mấy cũng chấp nhận
Tôi nhận thấy chủ trương của Bộ là cái gì còn hiệu quả, không cần thay đổi thì giữ nguyên, tránh gây lo lắng cho thí sinh.
Chúng tôi rất vui khi Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, như vậy tiết kiệm công sức và tiền bạc cho xã hội.
Lúc đầu tôi có đôi chút băn khoăn về việc tổ chức cụm thi địa phương, nhưng giờ tổ chức ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì, tôi cho rằng sẽ đảm bảo tính nghiêm túc, hiệu quả. Tuy nhiên, do trước đây thi hai đợt, nay thi một đợt nên cần xử lý tốt về mặt kỹ thuật trong khâu tổ chức.
Dự thảo Quy chế được đưa ra lần này sau một thời gian tiếp thu, cân nhắc rất kỹ của Bộ GD&ĐT. Về đại thể, chúng tôi rất ủng hộ và yên tâm về các nội dung Dự thảo.
Ví dụ như chủ trương đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả, như vậy thí sinh sẽ lường được kết quả của mình, so sánh tương đối, đăng ký phù hợp hơn, chứ không bị tùy tiện; về số lượng nguyện vọng: Có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, ứng với ngày trước là nguyện vọng 1 và 3 nguyện vọng tiếp theo, không gây ra sự thay đổi quá lớn.
Tôi thấy dư luận lo lắng với nội dung nhiều nguyện vọng cho mỗi ngành đăng ký, lo thí sinh bị rối, trường mệt mỏi hơn trong xét tuyển. Tôi cho rằng 4 nguyện vọng là cơ hội cho thí sinh, chứ không phải bắt buộc thí sinh dùng hết cả 4 nguyện vọng này. Như vậy thí sinh được tạo điều kiện, có nhiều sự lựa chọn chứ không hề bắt buộc gì.
Về phía nhà trường có thể vất vả hơn, nhưng theo tôi, nếu đã quán triệt quan điểm tạo mọi điều kiện cho thí sinh thì các trường dù khó khăn hơn cũng chấp nhận được. Các trường cũng phải tính đến thí sinh ảo. Trường chúng tôi có giải pháp về CNTT để giải quyết việc nhiều nguyện vọng đăng ký của thí sinh, nếu các trường nào cần, chúng tôi sẵn sàng cung cấp.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng quy định 75% theo tổ hợp môn thi cũ, 25% theo tổ hợp môn thi mới là chủ trương phù hợp, để cho học sinh từ lớp 10, 11, 12 nhắm vào khối thi truyền thống trước đó không bị động.
Thang điểm 20 là một giải pháp để tránh nhiều thí sinh cùng nguyện vọng mà bằng điểm. Thang điểm 20 còn có ý nghĩa phân biệt giỏi, khá, trung bình, nay ý nghĩa nhấn mạnh là cho giãn khoảng cách điểm ra, không bị trùng nhau nữa.
Liên quan đến quy chế thi đại học, lãnh đạo một số trường ĐH đánh giá việc sử dụng mã vạch trong giấy chứng nhận kết quả thi là cách làm khá hiện đại và hay, nhưng đi kèm theo nó phải là phương tiện hỗ trợ tương thích, nếu không vô hình dung, sẽ làm khó cho các trường.
Cùng đó, đề xuất giấy báo ngoài có mã vạch theo như dự thảo để phân biệt thật - giả nên ghi rõ tờ số 1, tờ số 2 như năm trước để thí sinh dễ phân biệt; nhà trường thông báo xét tuyển cũng thuận lợi hơn.
Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy quy định: Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GD&ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm.
Trên thực tế, nhiều trường đã xây dựng phương án tuyển sinh gửi Bộ GD&ĐT, trong đó sử dụng các tổ hợp môn thi mới. Như vậy, với quy định này, các trường đó có phải đồng loạt làm lại phương án tuyển sinh?
Lãnh đạo các trường đều mong quy chế tuyển sinh được ban hành càng sớm càng tốt để các trường có hành lang pháp lý triển khai công tác tuyển sinh của năm 2015 đạt chất lượng, hiệu quả.