Chiều 27/5, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thi đua, khen thưởng khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm năm 2024. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị.
"Khen đúng, khen đủ, khen kịp thời"
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3. Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục.
Với nhiều nội dung đổi mới được kỳ vọng đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, cũng như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong tình hình mới.
Theo đó, Hội nghị nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Giáo dục trong những năm qua, phổ biến những nội dung mới của luật, nghị định, thông tư và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong những năm tiếp theo.
Đại biểu tham gia Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, ngành nào cũng cần công tác thi đua, khen thưởng, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua…”.
Trong đó, ngành Giáo dục và những người làm nghề giáo là lĩnh vực cần đến công tác thi đua, khen thưởng, vinh danh hơn bao giờ hết.
Theo Thứ trưởng, công tác thi đua, khen thưởng không chỉ động lực, vinh dự mà còn là giải pháp, biện pháp để ngành Giáo dục thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị.
Trong suốt thời gian qua, lĩnh vực Giáo dục và đào tạo đều có phong trào thi đua với hiệu quả tốt. Công tác thi đua khen thưởng đã tạo nên động lực, sức mạnh tinh thần, giúp ngành Giáo dục vượt qua những khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng cũng đánh giá, bên cạnh những mặt làm được, công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian qua vẫn có những bất cập, chồng chéo khi triển khai thực tế. Ngoài ra, công tác này ở nhiều nơi, nhiều lúc còn nặng tính hình thức, chưa trở thành động lực.
“Mong muốn của chúng ta là công tác thi đua, khen thưởng sẽ trở thành động lực đến với mọi miền, mọi cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi xa xôi, vất vả. Khen đúng, khen đủ, khen kịp thời. Khen làm sao để người được khen cảm thấy vinh dự và xứng đáng, người chưa được khen cảm thấy những người được khen là tấm gương để mình phấn đấu, noi theo”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thời điểm này, ngành Giáo dục và đào tạo đang ở một giai đoạn đòi hỏi sự nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Trong sự nỗ lực chung của các giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu, các cơ sở giáo dục càng phải trăn trở với những động lực từ thi đua, khen thưởng, để nó trở thành bệ phóng, động lực.
Thứ trưởng mong muốn Hội nghị làm rõ 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, làm rõ các điểm mới về Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các nghị định, thông tư liên quan.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT rất muốn lắng nghe những trao đổi, thảo luận từ các cơ sở giáo dục về công tác thi đua, khen thưởng. Trong khuôn khổ của Hội nghị, Bộ GD&ĐT mong được nghe 3 điểm chính.
Một là, những bất cập, chồng chéo, khó triển khai, khó thực hiện trong quy định về thi đua, khen thưởng. Trong quá trình thực hiện, ở những trường hợp đặc biệt, vẫn có những độ vênh giữa các quy định.
Hai là, muốn đánh giá công tác thi đua, khen thưởng cho công bằng, khách quan, cần sự thống nhất về tiêu chuẩn, tiêu chí của các quy định.
Ba là, sự phân cấp, phân quyền trong thi đua, khen thưởng để tạo sự chủ động, tránh dồn lên phía cấp trên, tạo nên sự quá tải. Theo đó, công tác thi đua, khen thưởng ở cấp trên sẽ mang tính chất “thường trực thi đua”, còn việc đánh giá, xem xét, suy tôn sẽ ở cấp cơ sở.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng muốn lắng nghe những sáng kiến trong công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ sở giáo dục.
Các đại biểu nghiên cứu các quy định mới trong công tác thi đua, khen thưởng. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thứ ba, công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua, tuy làm tốt nhưng có phần nghiêng về khen thưởng, nhưng chưa tập trung cho phong trào thi đua.
Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ lựa chọn các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, tránh sa vào hình thức.
“Bộ GD&ĐT rất muốn nghe góp ý từ các cơ sở giáo dục, từ đó xây dựng, đề xuất các phong trào đáp ứng cho các cơ sở”, Thứ trưởng nói.
Nhiều điểm mới trong quy định thi đua, khen thưởng
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe trình bày của đại diện Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) về các điểm mới khi xét thi đua, khen thưởng theo các luật, nghị định và thông tư hiện hành.
Bà Đỗ Thúy Phượng, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Bà Đỗ Thúy Phượng, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) giới thiệu khái quát và phân tích những điểm mới cơ bản của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP.
Trong đó, các điểm mới tập trung vào các nhóm vấn đề chính: Thi đua, tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; Khen thưởng, hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; Quy định về phân cấp trong thi đua, khen thưởng; Cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.
Bà Đỗ Thúy Phượng trình bày những điểm mới trong quy định về danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Ảnh: Mạnh Tùng |
Đáng chú ý, căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua đã bỏ quy định “đăng ký tham gia thi đua”. Sau khi sửa đổi, chỉ còn 3 căn cứ: Phong trào thi đua, thành tích thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.
Bà Đỗ Thúy Phượng cũng nêu rõ các quy định, tiêu chuẩn cho từng danh hiệu thi đua như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh; Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Cờ thi đua của Chính phủ…
TS Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
TS Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) trình bày về việc xét khen thưởng theo Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT; hướng dẫn đánh giá, xếp loại và tổ chức hoạt động, bình xét thi đua, khen thưởng; xét hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hạnh còn phân tích các điểm mới khi xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân theo Nghị định 35/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Đại diện cơ sở giáo dục đại học nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ngày 28/5, Hội nghị tiếp tục diễn ra với phần trao đổi, thảo luận của các đại biểu và báo cáo viên về các quy định mới trong công tác thi đua, khen thưởng.