Thí điểm dạy tiếng Hàn ở cấp trung học tại Việt Nam

GD&TĐ - Chiều nay (4/2), Bộ GD&ĐT và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký kết thỏa thuận về việc thí điểm dạy tiếng Hàn ở cấp trung học tại Việt Nam đến năm 2023.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và ngài Jun Dae Joo - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - ký văn bản thỏa thuận.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và ngài Jun Dae Joo - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - ký văn bản thỏa thuận.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và ngài Jun Dae Joo - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - đại diện hai bên ký văn bản thỏa thuận.

Căn cứ văn bản ký kết này, hai bên sẽ hợp tác nhằm mục đích triển khai giảng dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 ở cấp trung học trên toàn quốc, nhằm tăng cường khả năng ngoại ngữ cho học sinh phổ thông trong bối cảnh phát triển đa ngôn ngữ. Qua đó, xây dựng nền tảng để có thể phát triển tiếng Hàn thành ngoại ngữ 1 trong thời gian phù hợp.

Trước mắt, từ năm 2016 sẽ thí điểm đưa tiếng Hàn Quốc vào dạy như ngoại ngữ hai tại 2 trường THCS ở Hà Nội và 2 trường THCS ở thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi lớp thí điểm 2 vòng (2 năm học liên tiếp) để sau khi thí điểm có thể dễ dàng chuyển đổi thành môn học ngoại ngữ 1 tùy theo nhu cầu và điều kiện, thời lượng học tiếng Hàn ngoại ngữ 2 (thí điểm) được bố trí 3 tiết/tuần. Kết thúc lớp 9, học sinh học tiếng Hàn ở THCS nếu đủ các điều kiện sẽ học tiếp ở THPT.

Từ năm học 2020 - 2021, chọn 1 trường THPT ở Hà Nội và 1 trường THPT ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi trường tổ chức 1 lớp dạy thí điểm tiếng Hàn ở lớp 10 cấp THPT. Mỗi lớp thí điểm 2 vòng (2 năm học liên tiếp), Thời lượng học tiếng Hàn ngoại ngữ 2 (thí điểm) được bố trí 3 tiết/tuần.

Kết thúc thời gian thí điểm ở mỗi lớp, mỗi giai đoạn có tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm để chuẩn bị triển khai dạy thí điểm tiếng Hàn có chất lượng ở các lớp và giai đoạn tiếp theo.

Sau 2 vòng thí điểm ở mỗi giai đoạn, nếu trường thí điểm có đủ các điều kiện và nhu cầu thì có thể tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Hàn.

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việt Nam đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Đẩy mạnh năng lực ngoại ngữ cho học sinh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Bộ GD&ĐT trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là ngôn ngữ các nước có quan hệ gần gũi với Việt Nam, trong đó có Hàn Quốc.

Khẳng định đổi mới dạy học tiếng Hàn có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đồng thời thông tin: Dạy tiếng Hàn tại Việt Nam không phải đến bây giờ mới được bắt đầu mà đã có thử nghiệm, ngày càng mở rộng trong những năm gần đây.

“Cùng với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, sự tương đồng về mặt văn hóa, quan hệ về giáo dục hai nước trong những năm vừa qua cũng là điều kiện giúp việc dạy học tiếng Hàn thuận lợi.

Văn bản hôm nay chỉ ghi những nét chung nhất, sau này hai bên sẽ cùng bàn bạc cụ thể để triển khai công việc hiệu quả.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của đối tác Hàn Quốc để đảm bảo Đề án thành công tốt đẹp, tiếng Hàn có thể trở thành ngoại ngữ dạy chính thức trong nhà trường” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ.

Ngài Jun Dae Joo đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT Việt Nam trong việc đưa tiếng Hàn Quốc vào chương trình giảng dạy thí điểm tại một số trường trung học tại Việt Nam.

Đại sứ cũng bày tỏ tin tưởng, với chương trình hợp tác giai đoạn 2016 - 2023 này, học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để học tập và làm việc trong môi trường ngôn ngữ Hàn Quốc, nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đóng góp tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia về giáo dục và đào tạo.

Việt Nam - Hàn Quốc đã thiết lập ngoại giao từ năm 1992 và gần đây quan hệ hợp tác rất tốt đẹp giữa hai nước về chính trị, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, kinh tế đã được ghi nhận là quan hệ đối tác chiến lược.

Hiện nay, Hàn Quốc là nước đầu tư trực tiếp hàng đầu tại Việt Nam. Số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng gia tăng, nhiều tập đoàn Hàn Quốc có đầu tư với quy mô rất lớn.

Số lượng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc tăng nhanh. Cụ thể, cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc hiện vào khoảng 200.000 người; đồng thời giao lưu văn hóa hai nước ngày càng phát triển nhanh chóng, phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc du nhập nhiều vào Việt Nam...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.