Thi đánh giá năng lực năm 2023 có nhiều điểm mới thuận lợi cho thí sinh

GD&TĐ - Trong kỳ tuyển sinh đại học những năm gần đây, kỳ thi đánh giá năng lực đã thu hút sự tham gia của nhiều thí sinh.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM.

Sử dụng kết quả kỳ thi này trong tuyển sinh tiếp tục là xu hướng của nhiều trường ĐH trong năm 2023.

Thêm các điểm thi

Đến thời điểm này, các trường đại học đã có phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh năm 2023. Theo đại diện các trường, cách thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cơ bản giữ ổn định như năm trước, nhưng vẫn có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM), trong năm 2023 và những năm tiếp theo, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Mỗi năm, kỳ thi được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 3 và tháng 5. Các địa điểm tổ chức thi được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự.

“Ngoài 17 địa phương đã tổ chức kỳ thi năm 2022, Đại học Quốc gia TPHCM có thể xem xét mở rộng thêm điểm thi tại một vài địa phương như Lâm Đồng hay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, TS Chính cho hay.

Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xây dựng tiếp tục được triển khai để phát triển ngân hàng câu hỏi cả về lượng và chất. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tiến hành đối sánh, công nhận kết quả thi đánh giá năng lực lẫn nhau để giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Đồng thời sẽ xem xét, cải tiến cấu trúc ma trận đề thi và chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẵn sàng cho kỳ thi đánh giá năng lực theo phương thức mới vào năm 2025.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến vừa tăng đợt, vừa mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm tới. ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường đã có tổng kết đánh giá kỳ thi năm vừa rồi. Trên cơ sở đó, trường tiếp tục phát triển kỳ thi cho các năm tới.

“Trong năm 2023, kỳ thi dự kiến được tổ chức 2 đợt vào tháng 4 và tháng 6 để thí sinh có nhiều cơ hội tham gia. Bên cạnh đó, trường cũng xem xét việc mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi ngoài TPHCM. Đồng thời, trường mở rộng ngân hàng đề thi và hoàn thiện thêm phần mềm tổ chức thi”, ThS Trung cho hay.

Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực năm 2022.

Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực năm 2022.

Mở rộng chỉ tiêu xét tuyển

Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lên mức 30 - 40% (thay vì 20% chỉ tiêu mỗi ngành như năm 2022). Tuy nhiên, trường vẫn giữ nguyên số lượng 21 ngành xét tuyển theo phương thức này, chưa áp dụng đồng loạt cho tất cả ngành trong năm tới.

“Không chỉ Trường ĐH Sư phạm TPHCM, kỳ thi này còn có định hướng sử dụng để xét tuyển vào một số trường ĐH khác. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt chỉ là điểm môn chính trong tổng điểm xét tuyển gồm 3 môn (2 môn còn lại căn cứ vào điểm học bạ THPT)”, ThS Trung thông tin.

Về đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nội dung kiến thức kiểm tra được giữ ổn định như năm 2022. Theo đó, câu hỏi sẽ bám sát kiến thức trong chương trình THPT, trong đó 70 - 80% chương trình lớp 12, còn lại thuộc lớp 11 và rất ít phần thuộc lớp 10. Đề có những câu hỏi yêu cầu năng lực suy luận, phân tích, vận dụng với mức độ cao hơn để phân loại người học.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Chính, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ chuẩn hóa hơn trong năm tới. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi được giữ ổn định. Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh gồm: Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm).

“Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Đề thi chính thức sẽ hoàn toàn tương đồng với đề thi mẫu về cấu trúc. Theo lộ trình của Đại học Quốc gia TPHCM, dự kiến chỉ tiêu xét tuyển đại học theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào kế hoạch tự chủ của trường/khoa thành viên và đặc biệt là quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT”, TS Chính trao đổi.

Năm 2022, với hai đợt thi kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia TPHCM đã thu hút gần 120.000 lượt thí sinh tham gia. Hơn 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả này để xét tuyển với chỉ tiêu khá lớn, trong đó các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM dành từ 20% - 70% chỉ tiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ