Thi công đường, các công trình ngầm thiếu an toàn ở TPHCM: Chế tài chưa đủ răn đe

GD&TĐ - Sự việc một sinh viên ĐHQG TPHCM lọt suối Nhum (nơi đoạn đường đang thi công) tử vong mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự mất an toàn trong thi công các công trình cầu, đường tại TPHCM. Đặc biệt, đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ việc đau lòng do sự tắc trách của các đơn vị thi công.

Khúc cua vào KTX ĐHQG TPHCM ngay cạnh suối Nhum nơi sinh viên V té tử vong vẫn chỉ được rào chắn sơ sài bằng một sợi dây
Khúc cua vào KTX ĐHQG TPHCM ngay cạnh suối Nhum nơi sinh viên V té tử vong vẫn chỉ được rào chắn sơ sài bằng một sợi dây

Phạt cứ phạt …

Cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp điều tra nguyên nhân tử vong của sinh viên Trần Như Đình V. (được cho là va phải đống đất trên đoạn đường đang thi công, rơi xuống suối Nhum). Trách nhiệm thuộc về đơn vị nào vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng rõ ràng việc thiếu rào chắn, biển cảnh cáo nguy hiểm từ đơn vị thi công đoạn đường này là quá nguy hiểm cho người đi đường.

Trước đó, cũng vì sự cẩu thả của đơn vị thi công, một người dân TPHCM lọt hố ga trên đường Kinh Dương Vương (Quận Bình Tân) dẫn đến tử vong.

Hai trong hàng loạt vụ việc gần đây liên quan đến sự cẩu thả của các đơn vị thi công khiến người dân cảm thấy rất bức xúc vì sau những vụ việc đau lòng trên phần lớn trách nhiệm đều không được quy kết cụ thể cho một cá nhân nào.

Một lô cốt án ngữ gần hết diện tích mặt đường trên đường Minh Phụng (Q.6, TPHCM)
  • Một lô cốt án ngữ gần hết diện tích mặt đường trên đường Minh Phụng (Q.6, TPHCM)

Theo Luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TPHCM) chính sự bất cập trong xử lý các vụ việc thiếu tính răn đe (khởi tố, truy tố) là nguyên nhân khiến các vụ việc đau lòng vẫn xảy ra.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở GTVT TPHCM, trong quý I năm 2018 số vụ vi phạm trong thi công công trình đường bộ tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong quý I, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã lập biên bản, xử lý 171 vụ với số tiền xử phạt gần 1 tỉ đồng. Không có vụ việc nào bị xử lý ở mức cao hơn. Đặc biệt, chỉ tính từ ngày 21/10 - 20/11, Thanh tra Sở đã kiểm tra, nhắc nhở 119 trường hợp vi phạm của các công trình. Qua đó lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 59 trường hợp, với số tiền gần 430 triệu đồng.

Dân vẫn khổ

Không chỉ đối diện với sự bất an từ các dự án đào đường, thi công hạ tầng, người dân TPHCM còn gặp nhiều phiền phức liên quan đến sinh hoạt hàng ngày, cũng như khổ sở vì buôn bán do lô cốt án ngữ, đường đào lên được tái lập sơ xài, cẩu thả, nhất là mỗi dịp gần Tết.

Ngày 22/12, ông Trần Danh (ngụ xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên) chính thức gửi đơn đề nghị Công an, VKSND huyện Đông Hòa khởi tố vụ án hình sự liên quan đến cái chết của con ông là anh Trần Nguyễn Quang Tánh (34 tuổi) tử vong do sụp ổ gà trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ông Danh cho rằng, Ban quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Phú Yên) đã thiếu trách nhiệm sửa chữa, duy tu đoạn đường bị hỏng, để nhiều “ổ voi, ổ gà”, gây ra cái chết oan ức đối với con ông. 

Ghi nhận thực tế tại một số tuyến đường trên địa bàn quận 2, quận 6 trong ngày 24/12 chúng tôi nhận thấy nhiều tuyến đường có đến 2 - 3 lô cốt án ngữ (Minh Phụng, Nguyễn Thị Định). Gia đình chị Lê Thị Lành (ngụ số 68, Minh Phụng, quận 6) sống bằng kinh doanh quán phở. Tuy nhiên, 1 tháng trở lại đây nguồn thu nhập của gia đình chị giảm đi 70% vì bị lô cốt án ngữ khiến việc kinh doanh ế ẩm.

“Gia đình tôi ở đây đã lâu, nhưng không hiểu sao cứ đến gần Tết là lại có đào đường ngay hoặc gần đoạn mặt tiền kinh doanh nhà tôi. Trước chưa đào đường, mỗi ngày gia đình tôi bán trên 200 tô phở, nhưng hiện nay, mỗi ngày chỉ bán trên dưới 70 tô. Đó là chưa nói đến việc từ khi lô cốt dựng lên đã có rất nhiều vụ va quẹt, té xe vì đường hẹp”- chị Lành bức xúc nói.

Một cán bộ của Sở GTVT TPHCM cho biết, trong năm 2018 Sở chỉ xem xét cấp phép đào đường khi các chủ đầu tư có kế hoạch thi công chi tiết, đồng bộ với những khu vực có công trình thi công trùng lắp. Năm 2018, số tuyến đường được cấp phép thực hiện công trình đào đường là 39.

Suối Nhum bên cạnh đoạn đường đang thi công tại ĐHQG TPHCM được rào chắn, cảnh báo bằng vài sợi dây ni lông mỏng
  • Suối Nhum bên cạnh đoạn đường đang thi công tại ĐHQG TPHCM được rào chắn, cảnh báo bằng vài sợi dây ni lông mỏng

Trên 39 tuyến đường thuộc 17/24 quận, huyện có 127 lô cốt hiện diện. Trong đó, quận 8 nhiều nhất với 27 lô cốt, kế đến quận 4 có 25 lô cốt, quận 6 có 11 lô cốt, quận 2 có 10 lô cốt…

Trước phản ánh về thực trạng đào đường tràn lan, tái lập sơ sài khiến người dân bức xúc vì gây nguy hiểm, ông Ngô Hải Đường- Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TPHCM khẳng định: Sở sẽ kiểm tra các công trình đang thi công và cả các công trình đã hoàn thành hay trong thời gian bảo hành ngay trong tuần này.

Theo ông Ngô Hải Đường, cách thức kiểm tra là chọn ngẫu nhiên công trình. Đoàn sẽ kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, sau đó sẽ có biên bản kiểm tra và các yêu cầu phải thực hiện việc khắc phục vi phạm nếu có. Đặc biệt, đoàn sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định khi thi công, công tác tổ chức phân luồng, công tác tái lập mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.