Theo đường chính ngạch!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nếu như những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản sụt giảm mạnh thì gần đây, xuất khẩu một số mặt hàng đã bật tăng trở lại.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nếu như những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản sụt giảm mạnh thì gần đây, xuất khẩu một số mặt hàng đã bật tăng trở lại, thậm chí đạt mức kỷ lục.

Theo đó, tính đến tháng 9 năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD - vượt mức kỷ lục của năm 2018 là 3,81 tỷ USD và tăng 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo cũng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%. Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm giao dịch ở mức 618 USD/tấn, thậm chí có thời điểm đạt mức lịch sử: 650 USD/tấn.

Giá xuất khẩu cà phê trong tháng 8 vừa qua cũng ở mức cao kỷ lục, đạt 3.054 USD/tấn, tăng 29,7% so với tháng 8/2022. Tính chung trong 9 tháng, giá xuất khẩu bình quân đạt 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý do xuất khẩu các mặt hàng nông sản có những chuyển biến tích cực là bởi nhu cầu của các thị trường lớn tăng. Mặt khác, do nước ta đã ký được các nghị thư để xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc theo đường chính ngạch đã kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.

Mặt khác, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện nên có nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại nước ta, góp phần bổ sung nguồn lực về vốn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Việc thực thi cam kết WTO cũng như đàm phán, thực hiện các FTA thế hệ mới cũng góp phần quan trọng mở rộng điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản nước ta...

Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực là vậy nhưng thực tế xuất khẩu nông sản vẫn đối diện với nhiều thách thức. Việc thực thi các FTA của doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng mới chú trọng đến số lượng, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội. Chưa thu hút được công nghệ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Thách thức nữa là còn thiếu các chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để gia tăng nguồn vốn cũng như công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cũng còn nhiều hạn chế...

Điểm quan trọng nữa, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là nền kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh... Sản xuất còn theo kiểu tự phát, manh mún, theo phong trào, dẫn đến việc nhiều lúc không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu.

Chất lượng cũng không đồng đều, khó kiểm soát an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Còn thiếu liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom đến chế biến, tiêu thụ. Thiếu liên kết, phân công lao động cũng như tổ chức sản xuất theo lợi thế vùng và địa phương dẫn đến chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.

Có thể thấy, dù đạt được những kết quả nhất định nhưng xuất khẩu nông sản vẫn còn nhiều thách thức, cả trước mắt và lâu dài. Cho nên, vấn đề đặt ra là phải sớm “hóa giải” các thách thức này thông qua việc triển khai hiệu quả các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, khi xuất khẩu phải theo đường chính ngạch bởi chỉ có như vậy mới bảo đảm bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ