Theo dõi cây chết trong rừng phòng hộ Cần Giờ

GD&TĐ - Qua theo dõi và thống kê, diện tích Rừng phòng hộ Cần Giờ biến động chủ yếu do nguyên nhân sạt lở, cây chết không rõ nguyên nhân...

Đối chiếu giá trị chỉ số NDVI với ảnh Google Earth và ảnh thực địa.
Đối chiếu giá trị chỉ số NDVI với ảnh Google Earth và ảnh thực địa.

Sử dụng ảnh Sentinel-2A, ThS Cao Thị An Trinh - Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đã theo dõi diễn biến tài nguyên rừng tại các khu vực cây chết không rõ nguyên nhân để có biện pháp quản lý phù hợp.

Dùng ảnh viễn thám nhận diện cây chết

ThS Cao Thị An Trinh cho biết, qua công tác theo dõi và thống kê, diện tích Rừng phòng hộ Cần Giờ biến động chủ yếu do nguyên nhân sạt lở, cây chết không rõ nguyên nhân, cây ngã đổ do mưa bão.

Trong các biến động nêu trên thì biến động cây chết không rõ nguyên nhân là được diễn ra trong một đoạn thời gian nhất định và dễ nhận thấy dựa trên các ảnh viễn thám.

ThS Cao Thị An Trinh đã xây dựng bản đồ theo dõi những khu vực Đước chết không rõ nguyên nhân trong phạm vi Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ dựa trên ảnh Sentinel-2A năm 2024 độ phân giải R10 m.

Ảnh dữ liệu vệ tinh Sentinel-2 là các vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên quỹ đạo ở độ cao 786 km. Các vệ tinh Sentinel-2 cho phép chụp ảnh trên 11 kênh đa phổ, đa phân giải không gian, tần suất chụp ảnh cao. Ảnh được cung cấp miễn phí đến người dùng khắp thế giới.

Các kênh ảnh được sử dụng để đánh giá trong giải pháp này bao gồm BandNIR (kênh cận hồng ngoại) và BandReb (kênh màu đỏ). Kết quả tính toán chỉ số thực vật ở Rừng phòng hộ Cần Giờ có giá trị giữa -1 và +0,689.

Nếu kết quả có độ phản xạ thấp trong kênh màu đỏ và độ phản xạ cao trong kênh NIR, điều này sẽ mang lại giá trị NDVI (là chỉ số tiêu chuẩn cho phép bạn tạo một ảnh hiển thị độ bao phủ xanh, sinh khối tương đối) cao và ngược lại.

Sử dụng bản đồ hiện trạng rừng cập nhật thuộc tính cho từng chỉ số NDVI từ đó lọc chọn những khu vực rừng trồng Đước nhưng chỉ số NDVI chỉ từ +0,197 đến +0,357. Đây là cơ sở để xác định là những khu vực Đước chết không rõ nguyên nhân.

Sau khi cập nhật thuộc tính cho các trường dữ liệu đã khởi tạo bằng cách cập nhật dựa trên bản đồ hiện trạng rừng theo, nhóm nghiên cứu kiểm tra kết quả giải đoán được so sánh trên Google Earth để đánh giá mức độ chính xác của khu vực Đước chết được giải đoán. Kết xuất bản đồ khu vực Đước chết trong phạm vi Rừng phòng hộ Cần Giờ và truy xuất dữ liệu khi có yêu cầu.

Công cụ hỗ trợ điều tra thực địa

Đồng bộ cơ sở dữ liệu của lớp bản đồ khu vực Đước chết trên hệ thống bản đồ số của Ban Quản lý rừng phòng hộ để quản lý trên máy tính và kết xuất dữ liệu thông qua file *gpx, *kmz, *kml để tích hợp vào máy định vị GPS hay gần đây là phần mềm Locus Map sử dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng để điều tra ngoài thực địa.

Theo ThS Cao Thị An Trinh, bản đồ theo dõi Đước chết (với độ chính xác hơn 90%) trở thành tiền đề quan trọng trong công tác đánh giá chất lượng rừng trồng sau hơn 45 năm trồng phục hồi và phát triển Rừng ngập mặn Cần Giờ, làm cơ sở thiết kế trồng phục hồi rừng trên các khu vực Đước chết có diện tích lớn; Đánh giá cấp tuổi nào của rừng trồng Đước có diện tích chết nhiều nhất.

Nghiên cứu giúp cung cấp số liệu về diện tích lô rừng thiết kế trồng rừng mới giai đoạn 2024 - 2025; Xây dựng các công trình lâm sinh, khoanh nuôi bảo vệ rừng chính xác, phát hiện những sai lệch trong cập nhật dữ liệu để có sự điều chỉnh trong thời gian sớm nhất. Cập nhật nhanh những khu vực cây chết không rõ nguyên nhân. Đồng nhất trong công tác quản lý, nâng cao năng lực của cán bộ thực hiện công tác chuyên môn này.

Khi hệ thống được áp dụng sẽ giảm được lượng lớn nhân công, nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nói chung và hệ sinh thái rừng nói riêng. Thay vì phải mất nhiều ngày điều tra thực địa, ghi chép thì chỉ với vài thao tác có thể đánh giá, nhận biết khu vực nào có cây chết, đặc biệt sau các trận bão, mưa lớn…

Điểm mạnh của hệ thống là khai thác được nguồn ảnh viễn thám miễn phí trên Google, không phải đầu tư ban đầu như các công nghệ khác, thời gian điều tra, theo dõi diễn biến rừng sẽ rất nhanh, từ đó có các biện pháp bảo vệ rừng cần thiết như công tác phòng chống cháy nổ, giám sát tài nguyên rừng khách quan, minh bạch…

Hiện nay, diện tích Rừng phòng hộ Cần Giờ là 34.813,49 ha. Do có diện tích rất lớn nên công tác theo dõi, thống kê cây rừng thiệt hại và diện tích rừng bị ảnh hưởng gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhân lực, vật lực và thời gian.

Việc rà soát các khu vực rừng Đước chết trong Rừng phòng hộ Cần Giờ bằng ảnh viễn thám sẽ là một giải pháp mang lại hiệu quả và có tính toàn diện để giải quyết những vấn đề gặp phải khi áp dụng các phương pháp truyền thống điều tra, đánh giá khu vực Đước trong phạm vi Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tại sao Quân đội Nga cần tên lửa Iran?

Tại sao Quân đội Nga cần tên lửa Iran?

GD&TĐ - Truyền thông phương Tây đã biết về việc Nga mua tên lửa Iran từ vài năm nay, đây là điều hiển nhiên sau khi Moskva nhận UAV cảm tử Shahed-136.

14 đảng viên thuộc Đảng bộ Trường Đại học Công nghệ TPHCM đọc lời tuyên thệ. Ảnh: Khánh Huy

Mùa Hè xanh: Vào Đảng tại 'mặt trận'

GD&TĐ - Những sinh viên tình nguyện của Mùa Hè xanh nhiều năm liền và là cán bộ Đoàn, Hội tiêu biểu vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam...