Thêm sách cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

GD&TĐ - Cuốn sách cổ từ thời Tự Đức (triều Nguyễn) được lưu giữ qua 4 đời hiện đang được cất giữ tại gia đình anh Văn Như Mạnh - Sinh năm 1971, ở phường Trường Sơn (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Hai quần đảo Hoàng Sa (vị trí tay chỉ), Trường Sa (phía trên) được thể hiện rõ thuộc quốc nội Việt Nam.
Hai quần đảo Hoàng Sa (vị trí tay chỉ), Trường Sa (phía trên) được thể hiện rõ thuộc quốc nội Việt Nam.

Cuốn sách mang giá trị lịch sử

Khải đồng thuyết ước là một trong số hàng trăm cuốn sách cổ mà ông Văn Đình Rẹ - Cụ nội anh Văn Như Mạnh, trước đây là thầy dạy học trong Triều Nguyễn để lại. Trải qua nhiều năm nhưng những cuốn sách đó được mọi người trong gia đình lưu giữ như báu vật của tổ tiên để lại.

Anh Văn Như Mạnh cho biết: Khải đồng thuyết ước do Kim Giang Phạm Phục Trai, thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) biên soạn xong năm 1853, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh người ở Bái Dương (huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định) chỉnh sửa, bổ sung. 

Bìa cuốn sách được làm bằng mo cau, bên trong viết trên giấy dó, dày 37 tờ viết hai mặt với nhiều nội dung nói về con người, sông núi, địa giới các tỉnh - thành, biển đảo… của Việt Nam. 

Đây là cuốn sách được chép bằng tay của triều Nguyễn, dùng để dạy học cho học sinh tiểu học thời bấy giờ. Anh Mạnh nói: “Đặc biệt nhất là trang số 10 có tấm bản đồ tên Bản quốc địa đồ (Bản đồ của toàn quốc), ghi lại vị trí của tất cả các tỉnh thuộc Việt Nam bấy giờ, từ Nam Quan đến Hà Tiên. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi rõ trên tấm bản đồ này là thuộc quốc nội của Việt Nam”.

Cũng theo anh Mạnh kể lại: Anh thích chữ Hán Nôm nên sau khi tốt nghiệp THPT anh xin đi học chữ Hán Nôm. Anh đã từng đưa cuốn sách đến hỏi thầy dạy chữ Hán Nôm. 

Thầy cho biết, đây là sách thời Nguyễn và nói sách đã cũ rồi, bây giờ thời đại mới không dùng đến nữa. Thế nhưng anh vẫn mang về cất giữ cẩn thận. 

Đến năm 2012, như thường lệ hàng năm anh Mạnh mang sách ra phơi. Anh xem lại thì thấy trong cuốn sách có bản đồ địa giới Việt Nam. 

Lúc bấy giờ, trên thông tin đại chúng phản ánh về tình hình biển Đông căng thẳng, Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nên anh đã báo cho chính quyền thị xã Sầm Sơn. 

Sau đó, nhiều nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ về xem sách và khẳng định đây là cuốn sách cổ có giá trị, khẳng định chủ quyền của Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Tài sản quốc gia cần được bảo tồn

Anh Văn Như Mạnh cùng cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” được lưu giữ tại gia đình.
Anh Văn Như Mạnh cùng cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” được lưu giữ tại gia đình. 

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại, anh Mạnh cho biết thêm: Năm 2012, PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam) cũng đã về xem và cho biết cuốn sách Khải đồng thuyết ước mà gia đình đang cất giữ là bản viết bằng chữ Hán được sao từ văn bản sớm nhất, gần với văn bản gốc nhất nên trên bản đồ thể hiện đầy đủ chủ quyền về biển đảo của Việt Nam. 

Phần về Hoàng Sa được ghi là Hoàng Sa chử (Bãi cát vàng), dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ là quốc nội. PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh đánh giá cuốn sách là “tài sản quốc gia”.

Anh Mạnh chia sẻ: “Tôi mong có một công trình nghiên cứu chính thức để khẳng định giá trị của cuốn sách. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay Trung Quốc đang có những hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam bằng việc đặt giàn khoan Hải Dương-981. 

Tôi hi vọng cuốn sách của gia đình có thể góp một phần nhỏ vào việc khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Ông Lê Trung Đức - Phó chủ tịch UBND phường Trường Sơn - cho biết: Năm 2012, khi nhận được thông tin gia đình anh Văn Như Mạnh đang cất giữ cuốn sách quý, chính quyền thị xã, phường cùng với công an đã đến làm việc với gia đình, đề nghị gia đình làm cam kết lưu giữ cuốn sách, không được cho sao chép, in ấn và đưa đi nơi khác khi chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ