Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An chiều 5/2 thông tin, tỉnh đã chỉ đạo dừng bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán tại 6 điểm: TP Tân An, thị xã Kiến Tường, các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Tổng số kinh phí bắn pháo hoa ở tỉnh hơn 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Một số nơi đã mua pháo hoa nhưng phải hoãn.
Ngoài ra, tỉnh Long An dừng các sự kiện, hoạt động trên 20 người, lập hai chốt kiểm tra xe khách tại ngã 3 quốc lộ N2 và quốc lộ 62 (huyện Tân Thạnh) và đường tỉnh 838 (Đức Huệ) nhằm kiểm soát dịch bệnh khu vực biên giới...
Tỉnh Bình Dương cũng ngừng bắn pháo hoa trong đêm giao thừa để dồn lực cho công tác dập dịch. Đến nay tỉnh ghi nhận 5 ca Covdi-19, tập trung ở ấp Cà Na, xã Tân Bình, huyện Phú Giáo. Cơ quan chức năng cách ly 338 hộ dân tại đây cùng khoảng 10.000 dân ở một số khu phố tại phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai giáp hai địa phương có ca dịch là TP HCM và Bình Dương, cùng với diễn biến Covid-19 phức tạp nên lãnh đạo tỉnh cũng quyết định huỷ chương trình ca nhạc, bắn pháo hoa tại đêm giao thừa ở sân vận động tỉnh. Hiện, tỉnh chưa ghi nhận ca Covdi-19 nào, các ca F1 đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tỉnh Đồng Tháp quyết định dừng tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đón chào năm mới Tân Sửu 2021 tại 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự, như kế hoạch ban đầu từ nguồn xã hội hoá.
Tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ hội giao thừa đón năm mới thu gọn và không bắn pháo hoa. UBND tỉnh yêu cầu tăng cường các biện pháp giám sát, chủ động phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.
Trước đó, nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng hủy hoặc giảm số điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa như Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... Tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay quyết định dừng bắn pháo hoa thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Hôm nay, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm. Tổng 9 ngày từ 28/1 đến 5/2, Bộ Y tế ghi nhận 375 ca nhiễm cộng đồng, ở 10 tỉnh thành gồm Hải Dương (278), Quảng Ninh (44), Hà Nội (22), Gia Lai (18), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.
Tỉnh Điện Biên sáng 5/2 ghi nhận 6 ca dương tính nCoV qua xét nghiệm lần một, liên quan ổ dịch Hải Dương, Hà Nội. Các ca này chưa được Bộ Y tế công bố.
Quyết định hủy bắn pháo hoa và các các hoạt động đông người được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra ngày 5/2. Đại diện UBND tỉnh cho hay, lý do dừng tổ chức nhằm phòng chống Covid-19, tiết kiệm nguồn lực để chăm lo Tết cho người dân. Trước đó tỉnh đồng ý cho TP Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh được bắn pháo hoa trong đêm giao thừa bằng nguồn xã hội hóa do địa phương vận động.
Ông Nguyễn Cảnh Hưng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay tỉnh dừng bắn pháo hoa dịp Tết Tân Sửu, nhằm phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, tỉnh này có kế hoạch bắn pháo hoa tại Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh, ở TP Đông Hà, trong 15 phút đêm giao thừa bằng nguồn xã hội hóa.
Tương tự, tỉnh Quảng Nam cũng hủy tiệc bắn pháo hoa đêm giao thừa tại hai điểm ở TP Tam Kỳ và Hội An. Trước đó, UBND tỉnh đồng ý cho hai địa phương này bắn pháo hoa, kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa.
Tỉnh Thanh Hóa cũng quyết định dừng tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm gồm Ngọc Lặc, thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn. Riêng điểm tại quảng trường Lam Sơn, tỉnh đang tùy diễn biến của dịch bệnh để đưa ra quyết định trong những ngày tới. "Nếu tình hình được kiểm soát tốt thì vẫn tổ chức bình thường còn phức tạp sẽ hủy luôn...", Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng, nói.
Toàn bộ chương trình nghệ thuật dự kiến tổ chức ngoài trời đêm giao thừa tại quảng trường Lam Sơn, chuyển sang ghi hình trong nhà hoặc tại trường quay của đài truyền hình để phát phục vụ người dân. Các sự kiện văn hóa dịp Tết như Hội diễn các Vovinam, trình diễn thư pháp, cho chữ đầu xuân tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... cũng bị hủy.