Theo cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, tính đến 11 giờ ngày 11/2, số ca mắc COVID-19 (virus corona) trên toàn thế giới là 43.102 trường hợp, trong đó tại Trung Quốc đại lục 42.638 trường hợp. Con số tử vong tăng kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với 1.018 trường hợp, trong đó Trung Quốc ghi nhận 1.016 trường hợp tử vong.
Trong số những trường hợp mắc này, các bác sĩ đã ghi nhận một số ít trường hợp trẻ em nhiễm COVID-19 như một bé gái 9 tháng tuổi ở Bắc Kinh (Trung Quốc); 1 em bé ở Thâm Quyến (Trung Quốc) bị nhiễm COVID-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng nào; 1 em bé sơ sinh vừa chào đời được 30 tiếng được xác nhận dương tính với COVID-19…
Tại Việt Nam, sáng 11/2 cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh nhi là bé gái 3 tháng tuổi ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc dương tính với COVID-19. Bệnh nhi này là cháu của một bệnh nhân dương tính trước đó và được ra viện ngày 10/2 sau khi được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tính đến hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 15 trường hợp mắc COVID-19, trong đó Vĩnh Phúc có 10 ca.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, COVID-19 ít ghi nhận ở trẻ nhưng không có nghĩa là trẻ không bị. Con đường lây truyền chính COVID-19 mới với trẻ vẫn là qua giọt bắn và sự tiếp xúc.
Chẳng hạn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, các giọt bắn từ người bệnh có thể dính vào tay, miệng, mũi và mắt của trẻ và khiến trẻ bị lây. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh chức năng tự miễn dịch thấp khiến chúng dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Cơ chế lây bệnh qua đường hô hấp rất nhanh nên để bảo vệ trẻ trước diễn biến dịch COVID-19, cần hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là những người có biểu hiện sốt, ho, ốm.
Ngoài ra tránh tiếp xúc với những người đi từ vùng dịch về, những chỗ đông người... Người lớn cũng nên hạn chế thể hiện sự yêu thương như ôm hôn trẻ, nhất là người lớn đang cúm, sốt, hắt hơi vì virus có thể lây lan đến cơ thể trẻ. Đã có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh và thiệt mạng chỉ từ nụ hôn của người lớn.
Ở trẻ lớn hơn, mọi người cần hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay sạch với xà phòng và nước. Ở những nơi không có xà phòng thì mới dùng đến sát khuẩn tay nhanh có cồn. Nếu trẻ đi ra ngoài và không thể rửa tay bằng nước, hãy luôn mang theo khăn giấy và nước rửa tay có cồn.
BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM cho rằng, dịch virus corona không chỉ 1 – 2 tuần mà có thể kéo dài cả tháng. Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý cho trẻ sơ sinh chích ngừa vắc xin đầy đủ phòng bệnh.
Nếu để trẻ không chích ngừa càng nguy hiểm hơn. Khi đưa trẻ đi, cha mẹ cần chọn lựa điểm tiêm phòng nào có kế hoạch khử trùng tốt hoặc hẹn giờ trước để đến là được chích ngừa nhanh. Hơn nữa, trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh sẽ khó đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, cha mẹ nên bế trẻ quay vào ngực áo để hạn chế nguồn lây.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên cho con uống sữa mẹ đầy đủ. Trường hợp mẹ mắc bệnh về đường hô hấp vẫn phải cho trẻ bú, chỉ cần đeo khẩu trang. Còn những trường hợp trẻ lớn hơn tập trung nâng cao thể trạng với việc ăn ngủ đủ.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời điểm này, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến trẻ hơn. Trường hợp trẻ bị ho, sốt nhưng không đi ra ngoài cũng như không tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 mới, trước tiên cha mẹ có thể theo dõi nhiệt độ của trẻ và điều trị tại nhà. Nhiệt độ cơ thể trẻ không giảm, tình trạng ho nặng hơn, khó thở, tinh thần kém và các triệu chứng khác cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Người chăm sóc trẻ cần phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay dưới vòi nước sạch với xà bông hoặc sát khuẩn nhanh trước khi tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng lưu ý giữ nhà cửa thông thoáng.
Ở nhà cần thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh đồ chơi của trẻ. Trẻ sơ sinh chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe, thích cầm nắm và ngậm đồ chơi… Vì điều này là nguy cơ nhiễm virus rất lớn, không loại trừ COVID-19 vốn được nhận định có thể lây truyền qua nước bọt, hắt hơi, cầm nắm tay...