Thêm chiến tuyến mới?

GD&TĐ - Cách đây mấy ngày, Israel lần đầu tiên tấn công vào lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sau vụ tấn công bằng tên lửa khiến 12 thiếu niên thiệt mạng ở cao nguyên Golan, Chính phủ Israel đã trao quyền cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Joav Galant quyết định tiến hành trả đũa Hezbollah ở Lebanon cho dù lực lượng này chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan.

Cách đây mấy ngày, Israel lần đầu tiên tấn công vào lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen. Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Syria, bị Israel chiếm đóng năm 1967 và sáp nhập trái phép hồi năm 1981. Phía Israel đánh giá vụ việc trên là nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Israel bị lực lượng Hamas tấn công vào ngày 7/10 năm ngoái.

Để trang trải nhu cầu đối nội và răn đe Hezbollah, Israel chắc chắn sẽ tiến hành những hành động quân sự mạnh mẽ. Nhưng hành động này là con dao hai lưỡi. Cho đến nay, Israel đang chiến tranh trực tiếp với Hamas ở dải Gaza, bị lực lượng vũ trang Hồi giáo dòng Shi-it ở Iraq và Syria tấn công và tấn công lại lực lượng này; xung khắc tương tự với phe phiến quân người Houthi ở Yemen và lại còn xung khắc quân sự trực tiếp lần đầu tiên với Iran.

Từ đó có thể thấy, Israel sẽ phải rất thận trọng với mọi hình thức và mức độ hành động quân sự nhằm vào Hezbollah bởi nếu không sẽ lợi bất cập hại và chỉ gia tăng xu hướng “thêm thù, bớt bạn”.

Lời cảnh báo và răn đe gần đây nhất là tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO - sẵn sàng tiến vào Israel để hậu thuẫn Palestine.

Ngoài ra còn có 3 nguyên do khác khiến phía Israel không thể muốn trả đũa thế nào cũng được. Thứ nhất, vùng cao nguyên Golan, nơi xảy ra vụ việc vừa rồi, không phải là lãnh thổ hợp pháp của nước này mà thuộc về Syria, gần như không có người Do Thái sinh sống mà là xứ sở của tộc người Drusen.

Tộc người này gắn kết với Syria nhiều hơn là gắn bó với Israel. Họ hết sức tránh trở thành nạn nhân của cuộc đối địch giữa Israel và Hezbollah. Cho nên dẫu Israel có tấn công lực lượng Hezbollah để trả đũa vụ việc thì chắc gì đã tranh thủ được bộ phận dân chúng này ở cao nguyên Golan.

Thứ hai, thực hư về vụ việc đến nay vẫn chưa thực sự sáng tỏ. Tên lửa rơi xuống đấy có thể do Hezbollah phóng nhưng cũng có thể là kết quả của sự phòng thủ tên lửa của Israel. Nếu không thận trọng và kiềm chế thì rồi đây rất có thể phía Israel sẽ khó khăn và khó xử trong biện minh cho hành động quân sự.

Lý do thứ ba là cả Israel lẫn lực lượng Hezbollah đều có lợi ích thiết thực với việc ngăn ngừa chiến tranh lây lan sang cả Lebanon trong bối cảnh một quyết định vội vàng hay một hành động thiếu kiềm chế của bên này hay bên kia có thể khiến chiến tranh bùng phát và chiến tuyến mới hình thành giữa Israel và Hezbollah.

Cùng lúc mở nhiều chiến tuyến đến như vậy thì chẳng mấy chốc sẽ quá tải đối với Israel về quân sự, quốc phòng và an ninh, sẽ thêm rắc rối về chính trị và sẽ khiến các đồng minh của Israel thêm khó khăn và khó xử với việc tiếp tục chống lưng nước này về mọi phương diện.

Cả Hezbollah và Israel hiện đều ở trong tình trạng bị giằng xé giữa lý trí và tình cảm. Chỉ cần một trong hai bên để cho tình cảm lấn át lý trí thì những vòng xoáy xung khắc vũ trang mới giữa hai bên sẽ tự khắc kích hoạt, nguy cơ hai bên không còn kiểm soát được diễn biến tình hình gia tăng và sự bùng phát cuộc chiến tranh thực thụ giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon sẽ trở nên không còn có thể tránh khỏi.

Cho nên mọi quyết định tiếp theo đây của Israel và Hezbollah đều mang tính định mệnh đối với cả hai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.