Thêm bệnh nhân ở Hà Nội tử vong do liên cầu lợn

GD&TĐ - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân tử vong do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

Vi khuẩn Streptococcus suis cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là tại mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Ảnh minh họa
Vi khuẩn Streptococcus suis cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là tại mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Ảnh minh họa

Đó là nam bệnh nhân (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân) bị sốt 40 độ C, mệt mỏi, đau nhức cả hai khớp chân. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng bệnh nặng lên.

Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Trước đó, một trường hợp nam bệnh nhân (48 tuổi, ở huyện Ba Vì) cũng tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 15 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng, nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng và nên nấu ở nhiệt độ trên 70 độ C. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

Ngoài ra, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín